Lĩnh vực tăng trưởng hạn chế trong quý I
Nhìn lại kinh tế quý I vừa qua, tổng sản phẩm trong nước GDP ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính vào sự tăng trưởng này đến từ 2 nhóm nông, lâm nghiệp và thủy sản là 11,66% và nhóm dịch vụ lên đến 43,65%. Ở chiều ngược lại, ghi nhận sự sụt giảm ở nhiều nhóm ngành khác, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của quý I năm nay.
Như công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng hơn 35% mà toàn ngành công nghiệp lại giảm hơn 0,8%; sản xuất, lắp ráp ô tô giảm gần 18%; điện thoại di động và linh kiện điện thoại đều giảm hơn 13%. Điều này cũng dễ hiểu khi sản lượng smartphone sản xuất tại Bắc Ninh ước giảm gần 25% trong quý I vừa qua.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng giảm cả về vốn thực hiện và vốn đăng ký. Đáng chú ý, xuất khẩu giảm gần 12% và nhập khẩu cũng giảm 14,7%.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: "OPEC+ cắt giảm sản lượng cùng với hệ quả của việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương từ năm ngoái đến bây giờ vẫn đang tác động đến các chỉ số về lạm phát, về giá cả. Điều này khiến tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đều sụt giảm mạnh".
Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư công nhưng đến hết tháng 3 vẫn còn 49 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 9%. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 30 bộ, cơ quan chưa giải ngân đồng nào.
Vì vậy, trong 3 tháng qua, cả nước mới giải ngân được hơn 73 nghìn tỷ đồng, bằng gần 10% kế hoạch. Do vậy, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý II này.
Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý I năm nay thấp nhưng tính theo khối lượng vốn vào công trình dự án lại tăng 25%. Đây là tiền đề cho quý II.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý II. Ảnh minh họa.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp giảm lãi suất điều hành từ 03 - 0,5%/năm. Đây là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.
Ông Dương Ngọc Hạnh - Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác HBT Việt Nam cho biết: "Các ngân hàng đợt 1 vừa rồi cũng giảm xuống 0,3% cho các doanh nghiệp. Với đợt giảm lãi suất lần thứ 2, các doanh nghiệp cũng kì vọng sẽ được giảm thêm lãi suất".
Hiện đã có 25 ngân hàng giảm lãi suất cho vay bình quân khoảng 0,4%/ năm. Giá vốn rẻ hơn cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ nay đến 2030, được đánh giá sẽ có tác động cả trực tiếp và gián tiếp, tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh hơn đối với nền kinh tế.
Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên ở châu Á chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ, để hỗ trợ từng động lực của nền kinh tế. Mức tăng trưởng trung bình dự báo năm nay của khu vực Đông Nam Á là 4,7%, còn Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng cao hơn.
VTV.vn - Các chuyên gia AMRO dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6% trong năm 2023 và tăng lên 7,1% trong năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.74665100221403202-et-hnik-gnourt-gnat-naot-iab-ohc-cuht-hcaht/et-hnik/nv.vtv