COVID-19 vốn đã gây nhiều tổn thất trong ba năm vừa qua, lần quay trở lại này có đáng ngại, phòng chống ở mức nào, vắc xin hiện có còn hiệu quả hay không... là vấn đề rất được quan tâm.
COVID-19 gia tăng sau 4 tháng "nằm yên", vì sao?
Ngày 12-4, Bộ Y tế cho biết ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia cho thấy COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Trong bảy ngày vừa qua (từ 5-4 đến 11-4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mới, trung bình có 90 ca mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với bảy ngày trước đó.
Ngoài ra, số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng, số bệnh nhân nặng nhập viện trong tuần là 10 ca, trung bình thêm 1-2 ca nặng mỗi ngày.
Tại TP.HCM, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM ngày 12-4, ca mắc có "tăng nhẹ nhưng đang được kiểm soát".
Ông Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch, ca mắc tăng xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Tuy nhiên không tỉnh thành nào tăng cấp độ dịch, cả nước đều màu "xanh".
Ông Lân phân tích ba yếu tố khiến ca COVID-19 tăng. Thứ nhất là biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ.
Các chuyên gia nhận thấy biến chủng có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.
Thứ hai là yếu tố về môi trường sống, hành vi của người dân. Biến thể Omicron lây lan nhanh, trong khi hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch, kể cả nước có số ca mắc cao, việc giao lưu đi lại sau ba năm đại dịch gia tăng rất lớn.
Thời gian qua hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ vắc xin. Vì thế, người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn, làm gia tăng lây nhiễm.
Hiện nay tại nước ta số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi đang là thời điểm chuyển mùa.
Số mắc gia tăng thời gian tới, nhưng chưa đáng ngại
Ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cũng cho rằng số ca mắc COVID-19 biến động như vừa qua không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố hết dịch, nghĩa là COVID-19 vẫn đang diễn biến.
Hơn nữa, số ca mắc như hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế vì người nhiễm bệnh không xét nghiệm hoặc xét nghiệm dương tính không báo với cơ sở y tế.
"Số mắc tăng cũng liên quan miễn dịch của vắc xin suy giảm, trường hợp chưa được tiêm vắc xin (trẻ nhỏ), người suy giảm miễn dịch và chủ quan không đi tiêm nhắc lại", ông Phu nói.
Ông Phu cũng lo ngại số ca mắc gia tăng trở lại đúng vào kỳ nghỉ lễ (lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và ngày 1-5), giao lưu đi lại nhiều và qua đó số ca bệnh sẽ còn tiếp tục tăng.
PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM - cho hay số ca mắc COVID-19 tăng trở lại nhưng hoàn toàn không đáng lo. Số lượng tăng này nằm trong dao động bình thường, tương tự như các quốc gia khác.
"Việc tăng số ca COVID-19 không phải do biến chủng mới, nguyên nhân chủ yếu là do thói quen phòng bệnh của người dân không được chặt chẽ như trước", PGS Dũng cho hay.
Ông Lân cho biết thêm WHO đánh giá 90% dân số thế giới đã có miễn dịch do vắc xin hoặc do mắc phải. Nhờ yếu tố này mà các trường hợp khi mắc phải có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Nếu miễn dịch giảm thì các đối tượng nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ cao dễ dẫn đến nặng, nhập viện, thậm chí tử vong.
Người dân cần làm gì?
Ông Phu khuyến cáo hiện nay, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các vi rút lây lan, trong đó có SARS-CoV-2 phát triển và lây lan.
Thời gian sắp tới nếu có đi lại, du lịch, nếu người dân chủ quan không có các biện pháp phòng hộ cá nhân như mang khẩu trang, rửa tay thì số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng, vì thế nên duy trì nguyên tắc 2K (khẩu trang và khử khuẩn), không chỉ phòng COVID-19 mà còn các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B.
Với ngành y tế cần đánh giá về các chủng vi rút mới, khả năng phòng bệnh của vắc xin để khuyến cáo người dân và có biện pháp đáp ứng phù hợp, không bị động.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, người đã tiêm đủ mũi vắc xin sẽ đủ miễn dịch, hạn chế nguy cơ biến chứng nặng. Trẻ em đi học có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng đa số là triệu chứng nhẹ, nhẹ hơn cúm mùa. Do đó, học sinh không cần tiêm mũi bổ sung vắc xin.
Hiện nay, nhiều quốc gia khuyến cáo người có yếu tố nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền nên tiêm vắc xin COVID-19 nhắc lại hằng năm để tăng cường miễn dịch.
Điểm tiêm sẵn sàng nhưng không có người tiêm
Theo ghi nhận tại các điểm tiêm vắc xin ở TP.HCM, tình hình tiêm vắc xin COVID-19 có xu hướng bị "khựng" lại, số lượng người đến các điểm tiêm vắc xin rất ít.
Đại diện Trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cho biết thường xuyên tổ chức tiêm vắc xin cho người dân, nhưng lượng người đến tiêm rất ít, phải rút ngắn các buổi tiêm. Trước đó, trạm tổ chức 2 buổi tiêm/tuần, hiện 2 tuần sẽ tổ chức 1 buổi tiêm.
Trạm y tế phường Trường Thọ (TP thủ Đức) cũng cho biết hằng tuần đều tổ chức tiêm vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, lượng người dân đến tiêm chỉ có vài người 1 buổi.
"Trạm y tế luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu tiêm vắc xin, trước mỗi buổi tiêm trạm luôn kết nối với người dân qua hội nhóm trên mạng xã hội, vận động tổ dân phố, dán thông báo... để người dân nắm được lịch.
Tuy nhiên, lượng người dân đến rất ít", đại diện Trạm y tế phường Trường Thọ cho hay.
Lợi dụng việc số ca COVID-19 tăng trong những ngày gần đây, nhiều thông tin thất thiệt về tình hình bệnh xuất hiện, thậm chí còn có thông tin xuất hiện biến thể COVID-19 mới, độc lực gấp 5 lần.
Xem thêm: mth.8563712231403202-iot-yagn-gnuhn-gnat-es-91-divoc-ac-os/nv.ertiout