vĐồng tin tức tài chính 365

Cả thôn Tang hoang mang vì... bệnh ghẻ

2023-04-13 09:52
Cả thôn Tang hoang mang vì... bệnh ghẻ - Ảnh 1.

Anh Thành và những người đàn ông trong thôn đã quá mệt mỏi với bệnh ghẻ, căn bệnh lây lan nhanh và khiến cuộc sống đảo lộn - Ảnh: TRẦN MAI

Cả thôn Tang hoang mang vì... ghẻ.

Ghẻ vây ráp

Cửa đóng, người thưa thớt, có gia đình rời làng vào rừng sâu dựng lán trại tạm cư vì bệnh ghẻ thành dịch, hoành hành khắp làng trên xóm dưới.

Giữa núi rừng, căn bệnh ghẻ trở thành nỗi ám ảnh thật sự. Nỗi lo bám lấy những khuôn mặt người khi tốc độ lây lan quá nhanh.

Thôn Tang, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi nằm ngang ngực núi Cà Đam (nóc nhà Quảng Ngãi) chưa bao giờ bị căn bệnh tưởng chừng đơn giản có tên "ghẻ" vây ráp như hiện nay. Nỗi lo biến thành nỗi sợ, nhất là những gia đình có con nhỏ, ghẻ khiến bọn trẻ ngứa ngáy, khóc cả ngày và rất dễ tái bệnh.

Những người từng ghé thôn Tang sẽ biết thôn này cách trở đến mức nào. Dù cách trung tâm xã Trà Bùi khoảng 13km nhưng ở núi không tính chiều dài mà tính thời gian đi.

Những ngày này trời nắng, mất khoảng 2 giờ để chiếc xe máy ì ạch "lội" qua từng con dốc gồ ghề với vận tốc 5km/h.

Còn mùa mưa, thôn Tang gần như biệt lập, ra vào thôn mất cả buổi lội bộ băng rừng. Bởi thế mà khi nghe thông tin bệnh ghẻ hoành hành từ ngày 8-3, mãi đến 14-3 Trạm y tế xã Trà Bùi mới cử được lực lượng lên nắm tình hình.

"Lên thôn Tang đàn ông phải tay lái cứng, còn phụ nữ không thể tự lái xe được. Bao nhiêu đoàn từ huyện, tỉnh về xử lý dịch ghẻ đều phải nhờ thanh niên địa phương chở đi" - ông Hồ Văn Ba, chủ tịch UBND xã Trà Bùi, nói.

Mất hơn 1 giờ lúc lái xe, lúc dắt bộ chúng tôi đến ngôi nhà đầu thôn. Khu vực này có năm căn nhà, ba căn cửa đóng then cài.

Chị Đinh Thị Bên (28 tuổi) đang cố dỗ dành đứa con nhỏ chưa đầy 2 tháng tuổi của mình đang khóc ré vì ngứa. Người mẹ trẻ lấy tay cà nhẹ vào các kẽ tay của con, đứa trẻ dịu cơn ngứa tạm nín khóc được một lúc rồi tiếp tục khóc. Chị Bên lại tiếp tục thao tác cũ, cả buổi chuyện trò, chị cứ lặp đi lặp lại như thế không biết bao nhiêu lần.

Nhà chị Bên có năm người, tất cả đều bị ghẻ. Chị vén áo ba đứa con lên, những vết ghẻ cũ đã tạo thành nốt đen xì, vết ghẻ mới thì rớm dịch, phồng rộp. Giữa núi, tiếng trẻ con khóc cứ vọng đi, âm thanh xót ruột này vừa dứt ở nhà chị Bên lại vang ra ở nhà hàng xóm.

Chị Hồ Thị Hiền (35 tuổi) cũng đang làm dịu cơn ngứa cho đứa con hơn 10 tháng tuổi. Chị Hiền ngao ngán nói: "Cả làng nhà nào cũng bị ghẻ, như nhà tôi bốn người, mắc bệnh cả bốn. Người lớn có cách xử lý cho đỡ ngứa, còn trẻ nhỏ chẳng biết làm sao chỉ dựa vào cha mẹ. Buổi tối là thời gian ngứa nhất, tui không dám gãi mạnh, sợ vỡ ra thì vừa ngứa vừa rát", chị Hiền nói.

Đang trò chuyện, một bà lão bước ra từ một căn nhà tồi tàn, thở dài nói: "Hồi giờ làng này không bị ghẻ, có thì cũng vài nốt là cùng. Không biết sao đợt này ghẻ cả làng nữa".

Bà lão ở nhà một mình, các con bà sợ ghẻ lây lan đã dẫn cả nhà vào rẫy sống tạm. Hai nhà hàng xóm chị Hiền cũng sợ nên vừa phát vài nốt ghẻ, đã rời làng tạm lánh.

Cả thôn Tang hoang mang vì... bệnh ghẻ - Ảnh 3.

Phần bụng cháu bé con anh Đậu với những vết chi chít như tổ ong vì bệnh ghẻ

Cái ghẻ này lây ghê lắm, nhà nào đã bị một người là ghẻ sẽ bò sang những người khác. Nhà tôi hồi có một đứa con bị thôi, giờ đến vợ chồng tôi cũng bị.
Chị Hiền

Vào rừng sâu tránh bệnh

Dù cùng thôn Tang nhưng từ khóm nhà đầu tiên đến khóm nhà tiếp theo phải mất gần 1 giờ xe máy nữa.

Khu vực này là trung tâm thôn, khá đông nhà dân quần cư. Anh Đinh Văn Sơn (30 tuổi) và Đinh Văn Thành (29 tuổi) ngồi thừ ra trên chiếc ghế nhựa, một tay ôm con, một tay gãi chân. Bên cạnh, nhiều đứa trẻ khác cũng đang ngồi bệt dưới nền đất tự gãi cho mình.

Ghẻ đến và lây lan nhanh, biến những người dân trong làng từ lớn đến bé đều phải gãi và gãi, nhìn cách họ cặm cụi gãi như một cuộc thi.

Đáng ra giờ này anh Sơn và anh Thành đang đi rẫy, nhưng vì bị ghẻ, họ phải ở nhà. Bởi hai người vợ mắc ghẻ đang bột phát nên phải tự gãi cho mình, không có thời gian chăm con. Thế là hai ông chồng bị ghẻ đã tạm lành, ít ngứa hơn phải ở nhà lo cho đàn con thơ dại.

Cách xóm anh Sơn ở không xa là điểm lẻ thôn Tang, Trường mầm non Trà Bùi. Cô Hồ Thị Hồng Nga đang cho bọn trẻ ăn trưa.

Cô giáo có bốn năm "cắm bản" gieo chữ ở đỉnh trời thôn Tang quả quyết từ lúc lên dạy đến giờ chưa lúc nào nghe trong thôn có bệnh ghẻ. Đợt dịch ghẻ chưa từng có này cũng khiến sĩ số lớp liên tục "thâm hụt".

Lúc bệnh bùng phát nặng nhất từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, ba cháu bị ghẻ lở loét khắp người phải nghỉ học. Chỉ có cháu nào bị ghẻ ít, hoặc đã qua "cơn ngứa cực đại" mới đến trường.

Hôm chúng tôi đến, sĩ số lớp cũng cơ bản đầy đủ, chỉ có hai cháu trưa nay tự về nhà chưa chịu trở lại lớp. "Hai cháu nhà cách trường chỉ vài bước chân, lúc nãy bảo ngứa, về cho mẹ tắm, bôi thuốc. Đến giờ vẫn chưa thấy lên. Tí tôi xuống nhà coi sao", cô Nga nói.

Cả thôn Tang hoang mang vì... bệnh ghẻ - Ảnh 5.

Một cháu bé đang bị ghẻ tấn công, chân bắt đầu phồng, ngứa - Ảnh: TRẦN MAI

Trạm y tế ngày nào cũng cử người lên xuống thôn Tang theo dõi bệnh tình và cấp thuốc cho bà con. Dù cơ bản khống chế nhưng vẫn lo dịch bệnh bùng phát trở lại. Nhất là mới đây bên xã Trà Thanh cũng phát hiện 19 người bị bệnh ghẻ. Chúng tôi sẽ theo dõi liên tục, hướng dẫn bà con thôn Tang giữ vệ sinh và xử lý ngay nếu bệnh ghẻ có dấu hiệu lây lan trở lại.

Ông Đinh Văn Đông (trạm trưởng Trạm y tế xã Trà Bùi)

Khẩn trương dập dịch

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, cả thôn Tang có khoảng 240 người nhưng có đến 152 người bị ghẻ (những người không bị đa số đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương). Đến chiều 10-4 đã có 53 người bớt bệnh, còn lại 99 bệnh nhân.

Ông Đinh Văn Đông, trạm trưởng Trạm y tế xã Trà Bùi, cho biết ngày 14-3 phát hiện 19 người ở thôn Tang bị bệnh ghẻ và báo cáo cho Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 20-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cử bác sĩ lên thôn Tang khám bệnh và phát hiện 99 người bị lở loét, phù nề. Sau khi thăm khám, xác định người dân bị bệnh ghẻ.

Ngay sau đó, ngành y tế Quảng Ngãi đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng, cấp phát thuốc trị bệnh ghẻ cho người dân, khẩn trương dập dịch. Với sự quyết liệt và kịp thời, dịch ghẻ lây lan được khống chế. Những ngày sau đó, số người bị lây lan giảm dần.

Vẫn chìm trong nỗi lo

Thôn Tang vẫn chìm trong nỗi lo mang tên ghẻ, những người đã bớt bệnh cũng nơm nớp bệnh sẽ tái phát.

Nặng nhất thôn là gia đình anh Hồ Văn Đậu (36 tuổi) trừ đứa con đầu học lớp 1 xuống trung tâm xã học là "thoát bệnh", ba đứa còn lại và vợ chồng anh chung cảnh sáng tối lo gãi.

Phải rất may mắn chúng tôi mới gặp được anh ở nhà, bởi cả tuần qua anh Đậu đưa cả nhà vào rừng, dựng lán trại ở. "Tôi vô rừng ở hơn tuần rồi, mới về làng sáng nay", anh Đậu nói.

Anh Đậu kể lúc mới bị phát bệnh, cả làng dùng các loại lá cây tổ tiên truyền lại để trị các loại ghẻ lở nấu nước tắm. Nhưng bệnh không giảm, lây qua lây lại. Quá mệt mỏi và sợ gia đình mình lây cho hàng xóm, thế là anh quyết định đưa cả nhà vào rừng sống.

Mỗi lần nghe có bác sĩ, nhân viên y tế đến làng khám anh mới đưa cả nhà về để khám và nhận thuốc.

Bệnh 'lạ' ở Quảng Ngãi là bệnh ghẻ cóc?Bệnh "lạ" ở Quảng Ngãi là bệnh ghẻ cóc?

TT - Câu chuyện bệnh “lạ” tiếp tục nóng lên khi một số ca bệnh lại xuất hiện ở Quảng Ngãi. Trong khi đó, đang có thêm giả thiết đặt ra bệnh này có thể là bệnh Yaws (còn gọi là bệnh ghẻ cóc).

Xem thêm: mth.60980109031403202-ehg-hneb-iv-gnam-gnaoh-gnat-noht-ac/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cả thôn Tang hoang mang vì... bệnh ghẻ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools