Sáng 12-10, tại tỉnh Tây Ninh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thi Hòa giải viên (HGV) giỏi toàn quốc lần thứ tư với sự tham gia của 20 đội thi đại diện cho 20 tỉnh, TP tại khu vực phía Nam.
Sân chơi của các hòa giải viên giỏi
Đây là lần thứ tư Bộ Tư pháp tổ chức hội thi này, sau thành công của ba lần tổ chức trước đó vào các năm 2000, 2005 và 2016. Hội thi HGV giỏi toàn quốc đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền, cơ quan thông tin đại chúng, sự hưởng ứng nhiệt tình của các HGV trên cả nước và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Đối tượng tham dự hội thi phải là HGV được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đoạt giải cao tại hội thi HGV giỏi của các tỉnh, TP hoặc HGV xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho địa phương mình.
Các đội thi sẽ thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. Mỗi đội thi tham gia ba phần thi, gồm phần thi giới thiệu trong thời gian tối đa 5 phút; phần thi lý thuyết (gồm thi hiểu biết, trả lời câu hỏi trắc nghiệm và thi hòa giải khéo); phần thi tiểu phẩm.
Đáng chú ý tại phần thi tiểu phẩm, các đội thi sẽ dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức nghệ thuật, sân khấu về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực.
Giải quyết tranh chấp hiệu quả
Phát biểu khai mạc hội thi, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, cho biết hòa giải tại cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất cập trong xã hội. Đây còn là một phương thức vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin với Đảng và Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, sự yên bình của thôn xóm.
Hòa giải tại cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất cập trong xã hội, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, sự yên bình của thôn xóm…
Hội thi còn góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải tại cơ sở, là sân chơi để các HGV giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng hòa giải.
“Các thí sinh trong các đội thi đều là những HGV tiêu biểu được lựa chọn để đại diện cho 20 tỉnh, TP về đây tham dự hội thi. Sau hội thi này, tôi hy vọng các HGV khi về địa phương sẽ tiếp tục phát huy kiến thức qua giao lưu, học hỏi để nâng cao hơn nữa chất lượng hòa giải tại địa phương” - thứ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Hội thi được tổ chức tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam trước khi diễn ra vòng chung kết được tổ chức tại TP Hà Nội. Kết thúc ba vòng thi khu vực, các đội thi đoạt giải nhất, nhì, ba của vòng thi khu vực sẽ được lựa chọn vào vòng thi toàn quốc với tổng số 15 đội.
Tỉ lệ hòa giải thành trên 80%
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31-12-2022, cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 HGV. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỉ lệ hòa giải thành trên 80%.
Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, xuất phát từ truyền thống giàu lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hòa giải ngày càng được phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội ngoài tòa án.
Trong quá trình hòa giải, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các HGV luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách thấu tình đạt lý.