Theo Kho bạc Nhà nước TP.HCM, tính đến ngày 31.3, tổng số vốn giải ngân là 1.608 tỉ đồng, mới chỉ đạt 4% so với kế hoạch vốn được giao năm 2023.
Theo bảng phân bổ vốn năm 2023 tới 61 đơn vị thì có 25 chủ đầu tư giải ngân 0%. Trong danh sách này có nhiều bệnh viện lớn như An Bình, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Gia Định, Nhi đồng 1, Răng Hàm Mặt, Trưng Vương.
Ngoài ra, còn có thể kể đến một số chủ đầu tư có vốn lớn nhưng chưa giải ngân đồng nào như Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao, Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, một số đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Các chủ đầu tư giải ngân từ 10% trở lên có Lực lượng Thanh niên xung phong, UBND các quận: 1, 6, 11, Q.Gò Vấp, H.Bình Chánh, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Ban Quản lý đường sắt đô thị.
Đặc biệt, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và UBND Q.Phú Nhuận đều giải ngân 100% với số vốn lần lượt là 95 tỉ và 31 tỉ đồng.
Năm 2023, UBND TP.HCM đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hơn 43.400 tỉ đồng. Để giải ngân đạt ít nhất 95%, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung cao độ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Sở KH-ĐT rà soát, đề xuất phê bình đối với các đơn vị chưa lập kế hoạch chi tiết triển khai, kiểm tra và giám sát giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời tổng hợp nội dung công việc thực hiện, số vốn và tỷ lệ giải ngân của các đơn vị theo từng tháng; báo cáo UBND TP.HCM ngày 20.4.
Ông Mãi cũng giao Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu kiện toàn nhân sự của 3 tổ công tác (vốn lớn, dự án ODA và bồi thường) và điều chỉnh tên, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Tổ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.