Bé trai 5 tuổi bị xích xe máy cắt đứt lìa bàn tay
Theo lời kể của cha bệnh nhi là ông Nguyễn Hữu L. với PV Thanh Niên, sáng 27.3, bé H. xin tiền mẹ chạy xuống ghe bên sông mua kẹo ăn. Tuy nhiên, khi bé chạy băng qua đường thì bị người đi xe máy chạy ngang không thắng kịp, tông vào bé. Bàn tay trái của bé bị xích xe máy cắt đứt lìa.
"Gia đình biết con rất hiếu động nên đã làm cửa hàng rào ngăn với con lộ, nhưng không hiểu sao bữa đó mở cửa ra mà không khóa lại nên bé chạy ra nhanh, còn mẹ thì chạy theo không kịp", ông L. nói.
Ngay sau khi bé bị tai nạn, gia đình ướp bàn tay đứt lìa vào thùng đá và chuyển cùng bé đến bệnh viện địa phương sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Cà Mau và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vào lúc 14 giờ 45 cùng ngày.
Theo bác sĩ CK.1 Trần Phước Bình, khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn, có xây xát da vùng mặt, chấn thương đầu và bàn tay trái bị đứt lìa.
Ngay lập tức bệnh viện đã báo động đỏ, huy động bác sĩ khoa Cấp cứu, khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức, khoa Chấn thương chỉnh hình để hội chẩn. Song song đó, bệnh nhi được làm xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, hồi sức, giảm đau, truyền máu và đẩy vào phòng mổ để tiến hành phẫu thuật khẩn cấp nối bàn tay đứt lìa.
'Gia đình mang ơn bác sĩ dữ trời !'
"Thông thường thì thời gian vàng để cứu bàn tay đứt lìa là 4 giờ, nhưng bệnh nhi đã qua thời gian vàng, nếu chuyển qua bệnh viện nhi thì khả năng cứu sống bàn tay sẽ thấp. Dù trong kíp trực đã có 1 bác sĩ vi phẫu nhưng khoa Chấn thương chỉnh hình đã huy động thêm 1 bác sĩ nữa để cứu bàn tay bệnh nhi", bác sĩ Trần Phước Bình cho biết.
"Sau 7 giờ vi phẫu bóc tách, nối mạch máu, gân, cơ, thần kinh, xương thì ca phẫu thuật đã thành công và bệnh nhi được chuyển ra theo dõi hậu phẫu", bác sĩ Bình chia sẻ thêm.
Cũng theo bác sĩ Bình, vì bệnh nhi còn nhỏ nên cấu trúc cơ thể chưa hoàn chỉnh, mạch máu rất bé nên phải dùng kính hiển vi để phóng đại lên.
Hiện sau hơn 2 tuần, vết mổ khô, bàn tay đứt lìa sống tốt, hoạt động nhẹ được và bệnh nhi đang tập vật lý trị liệu để phục hồi.
"Với trẻ con thì tập vật lý trị liệu hồi phục sẽ khó do trẻ ít hợp tác, nên bệnh viện hướng dẫn phụ huynh để cùng luyện tập cho bé. Tùy từng thời điểm khác nhau thì sẽ có những bài tập khác nhau. Khi phần xương lành thì sẽ rút dụng cụ kết hợp xương", bác sĩ Bình nói và cho biết thêm, bệnh nhi sẽ được theo dõi 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng sau mổ nối đứt lìa bàn tay.
"Thông thường trẻ em thì cấp cứu ở các bệnh viện nhi. Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì có khoa Ngoại thần kinh cũng tiếp nhận, điều trị trẻ chấn thương sọ não, chấn thương đầu cần phẫu thuật. Riêng về chấn thương chỉnh hình thì đây là trường hợp đầu tiên cấp cứu và nối bàn tay đứt lìa hoàn toàn trên bệnh nhi và rất thành công. Dự kiến, tuần sau bệnh nhi sẽ được xuất viện", bác sĩ Bình cho biết.
Ngồi bên con trên giường bệnh, anh L., cha của bệnh nhi H., nói với PV Thanh Niên: "Tôi cảm ơn bác sĩ đã nhiệt tình cứu bàn tay đứt lìa cho con tôi. Gia đình mang ơn bác sĩ dữ trời!".