Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, hơn bao giờ hết, báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới.
Đồng thời, báo chí phải "tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và giai đoạn 2021-2025".
Trong đó, cần phải thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; quán triệt tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng về "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số.
Đồng thời, báo chí cần đầu tư nhiều hình thức thể hiện, chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành "món ăn tinh thần hằng ngày" không thể thiếu của độc giả, không chỉ người dân mà cả các nhà quản lý.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức.
Đồng thời báo chí cũng cần cập nhật các xu thế phát triển của thông tin hiện đại, thị hiếu của từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại, nền tảng số để tiếp cận với độc giả, dựa vào độc giả để tiếp tục lan tỏa thông tin rộng rãi.
"Có như vậy báo chí chính thống mới huy động, tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ, cập nhật từng phút, từng giờ. Từ đó đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu nâng cao mức sống cho người làm báo" - phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 500 đại biểu tham dự.
Về kết quả công tác của Hội Nhà báo Việt Nam, theo ông Lê Quốc Minh - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong năm 2022 báo chí đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực thông tin, truyền thông theo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiều mặt.
Đến nay, cả nước đang có 23.700 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, sinh hoạt tại 301 đơn vị các cấp Hội. Riêng trong năm 2022 Hội đã kết nạp 1.816 hội viên mới.
Bên cạnh đó, Ban kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận, xử lý hơn 100 đơn thư phản ánh, khiếu nại. Trong đó, có 10 vụ việc liên quan đến 12 phóng viên, cộng tác viên, hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và có 4 trường hợp đã bị đình chỉ sinh hoạt Hội, chờ kết luận, xử lý của các cơ quan chức năng.
Bầu bổ sung 5 ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam
Trước khi diễn ra hội nghị tổng kết công tác Hội, vào ngày 12-4, cũng tại TP Nha Trang, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI.
Tại hội nghị này, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố và trao quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định nhân sự tham gia Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo đó, ông Trần Thanh Lâm - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã được chỉ định tham gia Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã bầu bổ sung 5 thành viên mới, gồm: các ông Trần Thanh Lâm và Nguyễn Thanh Lâm; bà Đỗ Thị Thu Hằng (trưởng Ban nghiệp vụ của Hội), bà Vũ Thị Hà (trưởng Ban công tác Hội) và ông Lê Trần Nguyên Huy (phó tổng biên tập phụ trách báo Nhà Báo Và Công Luận).
Báo chí thúc đẩy và giám sát chuyển đổi xanh, đóng vai trò quan trọng cho cam kết của Việt Nam tại COP26 về mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" (Net Zero) vào năm 2050.