Chiến sự và các lệnh trừng phạt của phương Tây đẩy giá dầu mỏ tăng, giúp các nhà xuất khẩu ở Trung Đông ngập trong tiền. Công ty tư vấn Rystad Energy cho rằng họ đã bỏ túi 600 tỷ USD từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch vào 2022.
Hầu hết doanh thu thuộc 4 thành viên chủ chốt của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Kuwait, Qatar, UAE và Saudi Arabia. Công ty dữ liệu Exante ước tính tổng thặng dư tài khoản vãng lai của "bộ tứ" này năm 2022 là 350 tỷ USD. Năm nay, nếu giá dầu ở mức gần 85 USD thì "bộ tứ" có thể đạt thặng dư 300 tỷ USD.
Những đợt bùng nổ giá dầu trước đây, họ sẽ mang tiền kiếm được đến các thị trường vốn phương Tây, thu mua các tài sản có tính thanh khoản cao ở các ngân hàng nước ngoài. Cơ sở của điều này là một thỏa thuận bất thành văn: Mỹ sẽ cung cấp viện trợ quân sự và mua dầu từ Saudi Arabia và những nước đồng minh. Đổi lại, họ sẽ bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai cho Mỹ bằng USD.
Nhưng quy trình này đang dần đổi khác. Mỹ - nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn, là đối tác mà Trung Đông ít chú ý hơn, bị thu hút bởi châu Á và mong muốn hàn gắn quan hệ với Israel, Iran. Họ không còn phải lôi kéo Nhà Trắng bằng mọi giá.
Hôm 2/4, Saudi Arabia và đồng minh khiến Mỹ tức giận khi cắt giảm sản lượng dầu xuống gần 4 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 4% sản lượng toàn cầu. Không chỉ thế, những nước này dần tự do hơn khi sử dụng hàng núi tiền mặt của mình theo cách họ muốn.
The Economist ước tính giai đoạn 2022-2023, thặng dư tài khoản vãng lai của các quốc gia dầu mỏ ở Vùng Vịnh có thể đạt hai phần ba của 1.000 tỷ USD. Để biết tiền đi đâu, họ xem xét các tài khoản của chính phủ, thị trường tài sản toàn cầu và các công ty được giao nhiệm vụ đầu tư.
Kết quả, tiền từ bán dầu đang quay lại phương Tây ít hơn. Dự trữ của các ngân hàng trung ương trong GCC cũng hầu như không tăng. Sự can thiệp của họ vào thị trường ngoại tệ cũng rất hiếm. Vậy núi tiền từ bán dầu đã đi đâu?
Nghiên cứu của Economist cho thấy chúng đã được sử dụng theo 3 cách mới. Đầu tiên là trả nợ. Từ 2014 đến 2016, dư thừa nguồn cung do sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ đã khiến giá dầu giảm từ 120 USD một thùng xuống còn 30 USD. Vào 2020, Covid-19 đẩy giá xuống 18 USD vào tháng 4.
Thu nhập kém khiến Vùng Vịnh phải thanh lý tài sản ở nước ngoài. Các ngân hàng trung ương của họ đã bán một phần ngoại tệ dự trữ. Nhưng vẫn không đủ, buộc họ vay thêm nhiều ngoại tệ trên thị trường vốn phương Tây.
Abu Dhabi, tiểu vương quốc giàu có nhất của UAE, đã hoàn trả 3 tỷ USD kể từ cuối năm 2021 - khoảng 7% tổng số dư nợ, theo Moody's. Nợ của Qatar giảm 4 tỷ USD, tương đương 4%. Nợ của Kuwait giảm một nửa kể từ năm 2020.
Thứ hai, Vùng Vịnh đang chung tay giúp đỡ những đồng minh đang khó khăn. Đầu 2022, ngân hàng trung ương của Ai Cập nhận được 13 tỷ USD tiền gửi từ Qatar, Saudi Arabia và UAE. Những năm gần đây, Saudi Arabia cho phép Pakistan hoãn thanh toán các khoản mua dầu trị giá hàng tỷ USD. Bù lại, Saudi Arabia yêu cầu Ai Cập và Pakistan thực hiện các cải cách kinh tế. Một số hỗ trợ cũng dùng để đổi cổ phần trong các công ty sở hữu nhà nước của các quốc gia gặp khó.
Thổ Nhĩ Kỳ được xem là điểm đáng chú ý nhất. Khi túng thiếu, Ankara thường tìm đến IMF, hoặc các ngân hàng châu Âu. Nhưng gần đây, khi lạm phát gia tăng và động đất đẩy đất nước đến bờ vực, Vùng Vịnh chìa tay hỗ trợ bằng nhiều hình thức.
Vào ngày 6/3, Saudi Arabia cho biết sẽ gửi 5 tỷ USD tại ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Qatar và UAE cũng đã thiết lập các giao dịch hoán đổi tiền tệ trị giá 19 tỷ USD với tổ chức này. Cả ba nước đã cam kết tham gia vào cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Qatar là đồng minh lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ. Saudi Arabia và UAE gần đây mới tranh nhau để giành ảnh hưởng. Douglas Rediker, một cựu quan chức IMF dự đoán khi ngày càng có nhiều nước láng giềng đối mặt khủng hoảng, tín dụng song phương sẽ trở thành chiến lược cốt lõi của các lãnh đạo GCC.
Thứ ba, và chiếm phần lớn vốn là dùng để đầu tư tại nước ngoài. Trước đây, các nước Vùng Vịnh gửi tiền mặt tại các ngân hàng phương Tây hoặc mua trái phiếu chính phủ. Chỉ có Qatar, được mệnh danh là "cao bồi của Trung Đông" táo bạo hơn khi mua câu lạc bộ bóng đá, tòa nhà chọc trời.
Nhưng kể từ năm 2015, khi Thái tử Muhammad Bin Salman đóng vai trò điều hành Saudi Arabia, tiềm kiếm được từ bán dầu thay vì chảy vào tay ngân hàng trung ương thì lại chuyển nhiều hơn cho Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia (PIF), nơi Thái tử cũng là chủ tịch.
Chỉ trong vài năm, PIF và các quỹ tương tự trong khu vực đã tăng quy mô. Giá dầu đạt giá tốt càng giúp những quỹ này phình to. Ví dụ, Cơ quan đầu tư Abu Dhabi (ADIA) quản lý 1.000 tỷ USD. Cơ quan đầu tư Qatar (QIA) và Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) mỗi đơn vị nắm xấp xỉ 500 tỷ USD.
Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết ban đầu các quỹ này mang tiền đi gửi các ngân hàng nước ngoài. Ví dụ, Saudi Arabia đã gửi 81 tỷ USD tính đến tháng 9/2022, theo Capital Economics. Cùng với đó, dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho hay các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông đã mua ít trái phiếu kho bạc nước này hơn dự kiến trước đây.
Bù lại, họ đang hứng thú với cổ phiếu Mỹ, thường được mua thông qua các nhà quản lý tài sản châu Âu. Giám đốc một công ty quản lý tài sản nói rằng khách hàng Vùng Vịnh đã nạp tiền vào tài khoản chứng khoán Mỹ của họ rất nhiều trong những tháng gần đây. Họ đầu tư cổ phiếu thông qua các quỹ chỉ số, nhưng ngày nay, "tài sản thay thế" - vốn cổ phần tư nhân, bất động sản, cơ sở hạ tầng và quỹ phòng hộ - chiếm từ 23% đến 37% tổng tài sản của ba quỹ lớn nhất vùng Vịnh, theo công ty dữ liệu Global SWF.
Max Castelli, Giám đốc chiến lược bộ phận quản lý tài sản toàn cầu của UBS cho biết ngoài đầu tư gián tiếp, những khoản đầu tư trực tiếp - giao dịch trên thị trường tư nhân hoặc mua lại cổ phần trong các công ty niêm yết - đang tăng rất nhanh. Riêng PIF đã chi đạt 18 tỷ USD đầu tư hình thức đó trong năm tính đến tháng 9/2022, so với 48 tỷ USD cho các khoản đầu tư phương thức cổ điển hơn.
Kể từ năm ngoái, các quỹ Vùng Vịnh đã thành lập các nhóm chuyên gia để khảo sát Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. "Đây là nơi họ sẽ bán nhiều dầu hơn, vì vậy họ muốn đầu tư vào các ngành sử dụng dầu đó", ông chủ của một ngân hàng đầu tư lớn cho biết. Và vào thời điểm mà các nhà đầu tư khác ngại đổ tiền vào Trung Quốc vì nước này căng thẳng với Mỹ, Vùng Vịnh tăng gấp đôi lượng vốn.
Tất cả chỉ ra một kế hoạch quan trọng của Vùng Vịnh là triển khai sức mạnh mềm. PIF lỗ phần lớn số tiền 45 tỷ USD rót vào quỹ Vision chuyên đầu tư startup nhưng nhờ đó đã nâng cao vị thế của Saudi Arabia trong giới đầu tư toàn cầu. Các quỹ cũng đang dành vốn để rót vào các nước láng giềng, thúc đẩy ảnh hưởng của họ trong khu vực. PIF đã thành lập các công ty con ở Ai Cập, Iraq, Jordan, Bahrain, Oman và Sudan để bơm vào 24 tỷ USD.
Vị thế lớn hơn mở ra những cơ hội mới để đầu tư vào các ngành "chiến lược", bao gồm năng lượng tái tạo. Vào tháng 10, quỹ Mubadala của UAE chi 2,5 tỷ USD cho một nhà phát triển gió ngoài khơi của Đức. QIA mua 10% cổ phần của công ty điện RWE (Đức), để tiếp cận kinh doanh năng lượng mặt trời ở Mỹ. Những khoản đầu tư này thường được thực hiện với mục đích tái nhập khẩu kiến thức hoặc vốn.
Minh họa rõ nhất về chiến lược phát triển của các quỹ đầu tư Vùng Vịnh là Abu Dhabi. ADIA, quỹ lâu đời nhất UAE đang nhận được ít tiền từ dầu mỏ hơn so với trước đây. Thay vào đó, phần lớn thuộc về ADQ, quỹ trị giá 157 tỷ USD mới 4 năm tuổi, chuyên thâu tóm các công ty năng lượng, thực phẩm, vận tải và dược phẩm - những ngành UAE coi là cốt lõi đối với an ninh.
Chuyển dịch cách Vùng Vịnh dùng tiền là tin xấu cho phương Tây. Các nhà điều tra tài chính cho rằng một phần thu nhập từ dầu mỏ của Nga được gửi vào các ngân hàng ở Vùng Vịnh, nơi nó được trộn lẫn với tiền của các quỹ địa phương để không theo dõi được.
Các quốc gia dầu mỏ cũng sắc sảo hơn về mặt địa chính trị, tạo cơ hội cho các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ thoát lệ thuộc vào các thể chế tài chính do phương Tây lãnh đạo. Hai thập kỷ trước, khi các quỹ tài sản quốc gia của Vùng Vịnh bùng nổ, một số người cho rằng chúng có thể được sử dụng để theo đuổi các chương trình nghị sự chính trị. Nhưng suy đoán đó bị cho là thổi phồng vào thời điểm đó. Còn bây giờ, chúng cỏ vẻ hợp lý.
Phiên An (theo The Economist)