Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định châu Á đang đối mặt với rủi ro tiềm ẩn lớn nhất do căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Ông Srinivasan nói với hãng tin Bloomberg hôm 11-4: "Rủi ro phân mảnh địa chính trị đã tăng khá mạnh trong 5 năm qua và càng nghiêm trọng do cuộc chiến ở Ukraine. Nếu những rủi ro đó tăng lên, châu Á có nguy cơ bị thiệt hại nhiều nhất trong số tất cả các khu vực trên thế giới".
Tuy nhiên, châu Á cũng là một trong những điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu. IMF dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, tăng 0,3 điểm% so với dự báo hồi tháng 10-2022, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới.
Đà tăng trưởng này được củng cố nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi chấm dứt chính sách "Không COVID-19". Theo ông Srinivasan, Trung Quốc đang hồi phục nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Thị trường Mỹ và châu Âu chiếm 20% hàng xuất khẩu của châu Á nhưng hiện có dấu hiệu chậm lại và Trung Quốc đang bù đắp cho sự sụt giảm này.
Một nhà phân tích tại Ngân hàng Mỹ nhận định các dấu hiệu phục hồi được ghi nhận trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và xa xỉ của Trung Quốc. Trong một báo cáo sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 3 được công bố, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho biết CPI của Trung Quốc dự kiến "tăng tốc một cách khiêm tốn" trong những tháng tới nhờ sự phục hồi kinh tế.
Khách hàng tham quan Hội chợ Triển lãm sản phẩm tiêu dùng quốc tế Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam - Trung Quốc hôm 11-4. Ảnh: REUTERS
Dù vậy, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng trung hạn cho Trung Quốc xuống dưới mức 4%. Ông Srinivasan lập luận trong trung hạn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng sẽ đối mặt với những thách thức lớn về năng suất và dân số già.
Theo ông Tim Adams, Giám đốc điều hành của Viện Tài chính quốc tế (Mỹ), tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng dẫn đến sự sụp đổ của một số ngân hàng không phải là cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống và hiện đã hạ nhiệt. Viện Tài chính quốc tế (IIF) là cơ quan thương mại toàn cầu ngành dịch vụ tài chính, với khoảng 400 thành viên tại hơn 60 quốc gia.
Ông Adams cho hay: "Chúng ta có hơn 4.000 ngân hàng ở Mỹ, khoảng 10.000 ngân hàng trên toàn cầu là một phần của hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và 35.000 tổ chức tài chính trên khắp thế giới - 99,999% trong số đó đã mở cửa hoạt động trong tháng qua và không gặp vấn đề gì. Việc ngân hàng sụp đổ thực sự chỉ là một vài trường hợp riêng biệt".
Cũng theo ông Adams, mối quan tâm hàng đầu của các thành viên IIF là nguy cơ suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển. IMF hôm 11-4 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm xuống còn khoảng 3%, đánh dấu mức dự báo trung hạn thấp nhất trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF kể từ năm 1990.
Nhà kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nói với đài CNBC hôm 11-4 cho rằng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã làm suy yếu triển vọng tăng trưởng, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng đã làm tăng mạnh chi phí huy động vốn cho các ngân hàng và gia tăng thiệt hại.
Đồng quan điểm, ông Adams nhận định: "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất lần nữa, các ngân hàng trung ương khác ở châu Âu và Anh vẫn đang siết chặt chính sách, dẫn đến rủi ro giảm tăng trưởng kinh tế".
Theo Bloomberg, quyết định tăng lãi suất đang là vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ FED. Chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams ủng hộ đề xuất FED tiếp tục nâng lãi suất bất chấp biến động trong ngành ngân hàng.
Trong khi đó, Chủ tịch FED chi nhánh Chicago Austan Goolsbee lại kêu gọi thận trọng và kiên nhẫn khi đánh giá tác động kinh tế của việc siết chặt tín dụng. Hồi tháng trước, FED nâng lãi suất thêm 0,25 điểm% lên mức từ 4,75%-5%. Giới đầu tư hiện dự báo FED sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 5 nhưng sẽ bắt đầu giảm vào cuối năm nay.
Xem thêm: nhc.130359480314032881-gnah-nagn-gnaoh-gnuhk-oab-touv-a-uahc/nv.fefac