Qua thư điện tử trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Iris Dager (31 tuổi, ở Thụy Điển, còn gọi là Nguyễn Mai Thanh) luôn để tên gọi tiếng Việt "Mai Thanh" ở cuối thư.
Một mình từ Thụy Điển về Việt Nam, Iris rong ruổi trên chiếc xe máy ở Hà Nội để tìm kiếm bất kỳ thông tin nào về mẹ, với manh mối duy nhất từ cha mẹ nuôi cung cấp.
"Mẹ của cô là Ngô Thị Dung, sinh con đầu lòng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khoảng 18 tuổi (tức sinh khoảng năm 1974), đến từ Gia Lâm".
Tôi luôn thắc mắc cha mẹ và gia đình tôi trông như thế nào? Tôi có đôi mắt giống mẹ không? Đôi tai thì thế nào? Tôi có giống cha mình không? Liệu tôi có anh chị em nào không? Tôi muốn biết rằng họ có giống tôi không? Các anh chị em tôi liệu có điểm chung nào không?"
"Tôi là ai?"
Iris sinh ngày 21-9-1992 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Hai tháng tuổi, cô được bố mẹ nhận nuôi (cha nuôi là người Thụy Điển, mẹ nuôi là người Iceland), vì thế cô là người mang hai quốc tịch.
Hiện cô là cố vấn cảnh sát tại Iceland, hợp tác với các cơ quan cảnh sát quốc tế.
Kể từ khi bắt đầu có ký ức, Iris biết mình là người Việt Nam. Cha mẹ Iris và các gia đình nhận con nuôi người Việt Nam khác đã sắp xếp chuyến đi về Việt Nam vào năm cô 10 tuổi.
Mãi đến năm 25 tuổi, mẹ nuôi cô tình cờ tìm thấy bản ghi chép của y tá bệnh viện vào ngày Iris sinh ra, kể từ lúc ấy cô mới biết được tên thật của mẹ mình và nhen nhóm mong muốn đi tìm kiếm.
"Mặc dù nhận được sự chăm sóc và yêu thương rất nhiều từ cha mẹ nuôi, tôi luôn cảm thấy rằng mình khác biệt bởi tôi là một người châu Á - sinh sống ở một khu vực toàn người da trắng. Tuy không phải chủ đích nhưng việc giao tiếp, kết nối với mọi người, bằng một cách nào đó luôn nhắc nhở tôi về sự khác biệt của mình" - Iris bộc bạch.
Năm 12 tuổi, Iris cùng gia đình chuyển đến Iceland, trong một cộng đồng toàn những người da trắng, cô luôn cảm thấy mình là người "ngoại đạo" duy nhất vì không có chút gì giống người Iceland.
Vào một lần đi khám bác sĩ, các bác sĩ hỏi cô rằng: "Gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh gì hay không?". Cô chỉ có thể trả lời rằng: "Tôi không biết".
Từ ngày bắt đầu có nhận thức về bản ngã của mình, Iris luôn tò mò về nguồn gốc của bản thân.
"Tôi luôn muốn biết: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Người sinh ra tôi thực sự trông như thế nào? Tại sao tôi lại bị mẹ bỏ rơi? Liệu có phải do hoàn cảnh, do tuổi đời còn quá trẻ, do quá nghèo? Liệu bây giờ cha và mẹ ruột tôi có còn ở bên nhau?
Ngoài mẹ ruột tôi ra, liệu còn có ai khác biết tôi đã được sinh ra đời và được gửi đến một phương trời xa lạ?... Có rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu nhưng không ai thực sự có thể cho tôi một lời giải đáp cả" - cô gái gốc Việt trải lòng.
"Biết đâu mẹ sẽ nhìn thấy tôi trên báo tiếng Việt"
Cuối tháng 3, Iris về Việt Nam tìm mẹ. Lần này cô quyết định đi một mình. Trước đó, đã có hai lần cô cùng bố mẹ nuôi về Việt Nam.
"Tôi đã có ý nghĩ kỳ lạ, rằng bất kỳ người nào ở ngoài đường cũng có thể là mẹ, hoặc một người thân của tôi" - Iris bày tỏ. Từ manh mối mà mẹ nuôi cung cấp, cô đã tìm kiếm ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội và huyện Gia Lâm (cũ).
Trên chiếc xe máy, cô tìm kiếm bất kỳ nơi nào có thể xuất hiện chút manh mối, từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (nơi cô sinh ra), Bệnh viện Phụ sản trung ương, Công an huyện Gia Lâm, UBND huyện Gia Lâm…
Trên hành trình tìm mẹ, Iris cảm thấy rất hạnh phúc vì có nhiều người sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ.
Tuy nhiên, khó khăn là số lượng thông tin còn lại quá ít ỏi và thời gian cũng đã qua rất lâu nên phần lớn các hồ sơ đều không còn được lưu lại.
Có những lúc cô hào hứng khi tìm được vài thông tin về y tá hoặc những người liên quan đến ngày mình ra đời, nhưng sau đó những manh mối cũng đi vào ngõ cụt.
Nhưng Iris vẫn luôn tin rằng, nếu cố gắng làm mọi thứ thì "trời không phụ lòng người". Cô đã chứng kiến nhiều trường hợp tìm lại được người thân sau gần 40 - 50 năm đằng đẵng.
Hiện tại, cô đã liên hệ với các tổ chức tìm kiếm người thân và liên hệ trên các phương tiện truyền thông, báo chí để được hỗ trợ lan tỏa câu chuyện của mình.
"Tôi rất mong muốn câu chuyện của mình có thể được lan tỏa trong cộng đồng và hy vọng rằng, biết đâu mẹ sẽ nhìn thấy tôi trên báo hay một kênh thông tin nào đó một ngày không xa" - Iris/Mai Thanh bày tỏ.
"Xin chào, con gái của mẹ đã về rồi đây"
"Tôi cũng chưa từng dám tưởng tượng ra ngày đoàn tụ của tôi và mẹ, bởi cơ hội quá mong manh và không thực.
Tôi đến đây với rất ít sự kỳ vọng, nhưng lại có hy vọng rất lớn về việc một phép màu nào đó có thể xảy ra để gắn lại sợi dây liên kết của hai mẹ con tôi.
Tôi chỉ muốn gặp lại mẹ, nói câu: "Xin chào, con gái của mẹ đã về rồi đây". Và tôi sẽ ôm bà một cái.
TTO - Thông qua chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, Maxim (tên tiếng Việt là Đặng Minh Hùng), 28 tuổi, hiện sinh sống tại Pháp, đã tìm được mẹ ruột sau 28 năm anh và chị gái làm con nuôi trong một gia đình người Pháp.
Xem thêm: mth.67330952221403202-teiv-gneit-oab-nert-iot-yaht-nihn-es-em-uad-teib/nv.ertiout