Câu chuyện nổi tiếng về tấm gương của vị tỷ phú 2 lần lên trang nhất của Forbes
“Đi ra chỗ khác mà lảng vảng,” nhân viên tiệm bánh hét vào mặt người ăn xin luộm thuộm.
“Nhưng tôi muốn mua một ít bánh mỳ. Vui lòng bán cho tôi những loại rẻ nhất,” người ăn xin chìa ra những đồng tiền nhàu nát. Nhân viên tiệm bánh vẫn khó chịu và không muốn bán bánh cho ông.
Đột nhiên, người chủ tiệm bánh tiến về phía người ăn xin rồi đưa cho ông một hộp bánh mỳ mới nướng. Người chủ nhiệt tình cúi chào người ăn xin và nói: “Cảm ơn vì đã đến đây mua bánh. Mong rằng ông có thể quay lại đây một lần nữa.”
Người ăn xin liền cảm thấy xúc động và hãnh diện khi lần đầu tiên được đối xử như một khách hàng thực sự, rất vui vẻ rời đi với những chiếc bánh mới nướng trên tay.
Cháu trai của chủ tiệm bánh không thể hiểu được tại sao ông mình lại làm vậy: “Ông ơi, tại sao ông lại phục vụ người ăn xin một cách nhiệt tình như vậy?”
Ông giải thích: “Ông ấy có thể là một người ăn xin nhưng hôm nay ông ấy là khách hàng của chúng ta. Ông ấy muốn ăn bánh của chúng ta nên đã dành nhiều thời gian để xin được tiền mua bánh. Cuộc sống đã khó khăn với ông ấy như vậy nên ông muốn đích thân phục vụ ông ấy.”
“Nếu vậy tại sao ông lại lấy tiền của ông ấy?”
“Hôm nay ông ấy không phải là người đến xin ăn của chúng ta nên chúng ta phải tôn trọng ông ấy với tư cách là một khách hàng. Chúng ta phải tôn trọng mọi khách hàng trả tiền đến đây vì công việc kinh doanh của mình được duy trì bởi những khách hàng trung thành,” người chủ tiệm bánh trả lời.
Người chủ tiệm bánh ấy chính là ông nội của Yoshiaki Tsutsumi – người giàu nhất thế giới vào năm 1987 và đã 2 lần lên trang nhất của tạp chí Forbes. Ông của Yoshiaki Tsutsumi là người đã truyền cảm hứng để ông trở thành một doanh nhân huyền thoại.
Yoshiaki Tsutsumi cho biết câu chuyện về người ăn xin này là lời dạy đáng nhớ nhất của ông mình và nó đã khắc sâu vào trí nhớ của ông. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in toàn bộ câu chuyện, kể cả động tác, lời nói của ông mình với người ăn xin.
Lao dốc nhanh chóng
Không để ông mình thất vọng, Yoshiaki Tsutsumi khi lớn lên đã trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản ròng trị giá 20 tỷ USD, sở hữu một công ty đường sắt, khu nghỉ dưỡng và bất động sản đồ sộ ở Nhật Bản.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Tập đoàn Đường sắt Seibu của Yoshiaki sở hữu một mạng lưới giao thông, một đội bóng chày, hơn 80 khách sạn, 52 sân gôn và hàng chục khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Nhật Bản và trên toàn cầu.
Tại nhiều thành phố ở Nhật Bản lúc đó, người ta hoàn toàn có thể lên tàu Seibu đến trung tâm mua sắm, khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng Seibu mà không cần đặt chân vào cơ sở của một công ty khác. Các phương tiện truyền thông gọi đó là Đế chế Seibu.
Thế nhưng, những tháng ngày vinh quang đã chấm dứt. Ông trùm bất động sản Nhật Bản Yoshiaki Tsutsumi đã bị bắt vì nghi ngờ phê duyệt báo cáo tài chính giả mạo và giao dịch nội gián. Các cáo buộc tập trung vào vai trò của Yoshiaki với tư cách là cựu chủ tịch của Kokudo, cổ đông chính của công ty đường sắt khu vực Seibu.
Các công tố viên cáo buộc rằng các báo cáo tài chính năm 2003 của Seibu đã bị sai lệch. Cổ phần của Kokudo trong công ty đường sắt lên tới 43,1%, mặc dù con số thực là 64,8%. Yoshiaki cũng bị cáo buộc liên quan đến việc bán 180 triệu cổ phiếu Seibu Railway cho các đối tác kinh doanh để giảm cổ phần của Kokudo trong công ty, vi phạm các quy tắc về giao dịch nội gián.
Seibu Railway của ông đã bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Tokyo vào tháng 12/2004. Ông bị bắt vào tháng 3/2005, sau đó bị phạt 42.000 USD và nhận án tù treo 4 năm vì những liên quan đến vụ bê bối.
Yoshiaki Tsutsumi đã bị ảnh hưởng cả bởi sự suy thoái của Nhật Bản vào những năm 90 và sự lao đao vào đầu những năm 2000. Tài sản của ông đã giảm xuống còn 3 tỷ USD vào thời điểm đó, khiến ông ‘trượt chân’ xuống vị trí thứ 159 trong danh sách tỷ phú của Forbes.
Tổng hợp
Người nghèo ở Trung Quốc đã có cách kiếm tiền rất tốt: Livestream kiếm sống