Nhiều lần bị Hải quan xử phạt
Ngày 13/4, bà Võ Thị Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, gia công, Cục Hải quan Tp.Đà Nẵng vừa ký Quyết định 13/QĐ-XPHC về việc xử phạt hành chính đối với Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (Dệt may Hòa Thọ, mã chứng khoán HTG).
Theo quyết định này, Dệt may Hòa Thọ đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, quy định tại điểm a khoản 4, Điều 12, Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Với vi phạm nêu trên, Hải quan Tp.Đà Nẵng đã xử phạt Dệt may Hòa Thọ số tiền 35 triệu đồng, buộc nộp phạt về Kho bạc Nhà nước Tp.Đà Nẵng trong 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định.
Nếu quá thời hạn mà Dệt may Hòa Thọ không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật.
Thời gian gần đây, Dệt may Hòa Thọ liên tục bị ngành hải quan xử phạt hành chính với nhiều vi phạm khác nhau.
Theo đó, ngày 15/3, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư, gia công ra quyết định xử phạt Dệt may Hòa Thọ với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục tờ khai hải quan. Mức xử phạt cho vi phạm này hơn 800 nghìn đồng.
Ngày 6/3/2023, Chi cục Hải quan này cũng đã ký quyết định xử phạt Dệt may Hòa Thọ vì khai sai so với thực tế về tên hàng, đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế mà người khai hải quan tự phát hiện và bổ sung quá hạn quy định. Mức phạt được công bố là 2 triệu đồng.
Trước đó, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư, gia công, Hải quan Tp.Đà Nẵng cũng đã ban hành quyết định xử phạt Dệt may Hòa Thọ với hành vi lập và khai không đúng các nội dung trong hồ sơ hoàn thuế của 15 tờ khai nhập khẩu. Với vi phạm này, Dệt may Hòa Thọ bị xử phạt số tiền hơn 12 triệu đồng.
Kết quả kinh doanh "khủng" nhất từ khi thành lập
Theo báo cáo thường niên 2022, do ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc ký, từ đầu năm 2022, nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường mới, nhu cầu mua sắm của khách hàng dần hồi phục là nguyên nhân dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty.
Cụ thể, doanh thu thuần và giá vốn hàng bán đều tăng từ 3.863 tỷ đồng năm 2021 lên 5.144 tỷ đồng trong năm 2022, tức khoảng 33%.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt các chi phí cũng góp phần tăng lợi nhuận của Tổng Công ty và giúp cho chỉ tiêu lợi nhuận tăng mạnh, cụ thể lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 là 218,546 tỷ đồng lên 332,348 tỷ đồng, tức tăng 52,07%.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ tăng 33,07%, từ 201,452 tỷ đồng lên 268,07 tỷ đồng, nguyên nhân do 2022 Dệt may Hòa Thọ không còn được hưởng mức thuế ưu đãi.
Được biết, đây là năm thành công nhất của Dệt may Hòa Thọ khi đạt kết quả kinh doanh cao nhất kể từ khi thành lập.
Cũng theo báo cáo do vị Tổng Giám đốc ký, thị trường xuất khẩu mang về cho Dệt may Hòa Thọ 4.749 tỷ đồng doanh thu, chiếm 92,32% cơ cấu doanh thu năm 2022, tăng 38,07% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường nội địa mang về cho doanh nghiệp này 395,118 tỷ đồng, giảm 6,71% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận, tổng tài sản của Dệt may Hòa Thọ trong năm 2022 tăng nhẹ từ 2.341 tỷ đồng lên 2.395 tỷ đồng, tức khoảng 2,30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 0,17% đạt 1.603 tỷ đồng. Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 58,586 tỷ đồng xuống còn 24,501 tỷ đồng, tức khoảng 58,18% so với năm 2021.
Đặc biệt, tiền giảm 65,39% đạt 17,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 9,03% tăng từ 857,148 tỷ đồng năm 2021 lên 934,558 tỷ đồng năm 2022.
Đối với tài sản dài hạn năm 2022 lại cao hơn 7,7% so với năm ngoái từ 735,149 tỷ đồng lên 791,788 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tài sản cố định tăng 4,29% chủ yếu đến từ việc đầu tư các tài sản như máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển…
Tổng nợ phải trả trong năm 2022 của Dệt may Hòa Thọ giảm 10,48% so với năm 2021 đạt 1.510,140 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ của Tổng Công ty, chiếm 81,89%, tức 1.236,579 tỷ đồng, giảm 10,06% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự giảm thiểu của nợ ngắn hạn chủ yếu đến từ 3 khoản mục chính là vay ngắn hạn, phải trả người bán và người mua trả tiền trước.
Cụ thể, vay ngắn hạn giảm 4,05% so với năm 2021 đạt 530,686 tỷ đồng; phải trả người bán và người mua trả tiền trước giảm lần lượt là 26,05% và 68,32%.
Nợ dài hạn của Dệt may Hòa Thọ giảm so với cùng kỳ năm trước, giảm từ 312,097 tỷ đồng xuống 273,561 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do vay và nợ dài hạn giảm 32,677 tỷ đồng, đưa tỷ lệ của nợ dài hạn xuống còn 18,11% trong tổng nợ phải trả.
Tổng công ty cổ phần Dệt may Hoà Thọ được thành lập 1962, là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas). Doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các loại sản phẩm may mặc, các loại sợi, nhập khẩu các nguyên liệu, thiết bị thiết yếu dùng để kéo sợi và sản xuất hàng may mặc... Trụ sở chính tại đường Ông Ích Khiêm, quận Cẩm Lệ, Tp.Đà Nẵng.