Cụ thể, ông Bùi Quốc Hưng - trưởng phòng tàu sông của Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết trước thực tế có một số chủ tàu du lịch hoạt động trong đường thủy nội địa kiến nghị chưa lắp vì khó khăn về kinh tế sau đại dịch COVID-19, tàu hoạt động trên tuyến ngắn, không gian lòng sông hẹp, lãnh đạo Cục Đăng kiểm sẽ có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề xuất xem xét miễn lắp đặt hoặc gia hạn thời gian lắp đặt các thiết bị AIS, VHF với phương tiện hoạt động trên một số tuyến đường thủy nội địa mà chủ tàu, doanh nghiệp kiến nghị.
Ngày 14-4, quay lại các điểm du lịch ở miền Tây, các chủ tàu tỏ ra phấn khởi trước thông tin này.
Anh Nguyễn Tâm Thiền - chủ tàu du lịch khu vực bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - hồ hởi nói nếu lúc đi đăng kiểm mà được gia hạn lắp thiết bị AIS và VHF sau thì thiệt quá mừng.
"Tàu người ta sao thì tui vậy, dù sao quy định thì phải làm theo, nhưng nếu "rộng" thời gian cho tui có thời gian chạy tàu gom tiền thay vì phải vay mượn hai mươi mấy triệu mua thiết bị gắn lên tàu thì kẹt cho tụi tui quá!", anh Thiền nói.
Niềm vui hiện lên khuôn mặt rám nắng hành nghề chạy tàu đưa đón khách du lịch, anh Huỳnh Văn Đông (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết gia đình chỉ có một chiếc tàu (29 chỗ) chở khách tham quan quanh khu vực chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn hoặc cù lao Mây (Vĩnh Long). Đưa đón khách xong là lau dọn tàu rồi về nhà, nếu gắn cả hộp đen và bộ đàm thì không ai trông coi rất dễ mất trộm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Tuấn - giám đốc Thúy Nga Mekong Travel (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - kiến nghị nên bỏ luôn quy định lắp hộp đen và bộ đàm cho các tàu du lịch nội địa tại khu vực bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
"Tàu du lịch dù là 12 hay 20 chỗ trở lên thì cũng chỉ di chuyển trong bán kính từ 10 - 15km trên lưu vực sông Hậu thì việc sử dụng hộp đen và bộ đàm không cần thiết. Giá của hộp đen và bộ đàm dao động từ 17 - 22 triệu đồng là khá mắc, làm cho tôi cũng phải tính toán đau đầu sao cho đủ tiền để lắp cho ba chiếc tàu trên 25 chỗ hiện đang hoạt động", ông Tuấn nói.
Còn tại hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, chủ tàu du lịch phục vụ khách tại cồn Thới Sơn (tỉnh Tiền Giang) và cồn Phụng (tỉnh Bến Tre) cũng phấn khởi trước thông tin trên.
Ông Nguyễn Văn Tư (ngụ tỉnh Tiền Giang) có 3 tàu du lịch hết hạn đăng kiểm vào cuối tháng 4 tới. Tuy nhiên đến nay ông vẫn chưa chạy đủ tiền để lắp thiết bị AIS và bộ đàm vì lượng khách du lịch thời gian qua còn khá vắng.
"Nếu được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận gia hạn thêm một thời gian nữa thì tốt quá. Chứ giờ nói thật nếu bắt buộc phải lắp thì tôi cũng chỉ có thể lắp trước 1 tàu thôi", ông Tư nói.
Trước đó, nhiều chủ tàu du lịch tại miền Tây gặp rất nhiều khó khăn trước quy định tàu trên 12 chỗ phải lắp thiết bị AIS và tàu trên 20 chỗ ngồi phải có bộ đàm. Phải có 2 thiết bị nói trên tàu mới được đăng kiểm, chở khách du lịch.
Quy định lắp thiết bị AIS cho tàu chở khách là cần thiết. Ngoài việc phục vụ công tác quản lý các doanh nghiệp có tàu chở khách, thiết bị AIS cho phép các tàu trao đổi thông tin về vị trí, hướng, tốc độ của phương tiện với nhau để phòng tránh va chạm.
Tuy nhiên, một số chủ tàu du lịch hoạt động trong đường thủy nội địa kiến nghị chưa lắp vì khó khăn về kinh tế sau đại dịch COVID-19, tàu hoạt động trên tuyến ngắn, không gian lòng sông hẹp. Ngoài ra, các trạm thu phát tín hiệu của thiết bị AIS cũng chưa được đầu tư đầy đủ do thiếu kinh phí.
Vừa chở khách ghé khu du lịch Cồn Phụng (Bến Tre), ông Nguyễn Văn Mười nhìn vào tem kiểm định rồi than: "Sắp tới kỳ đăng kiểm, không biết đào đâu ra số tiền hơn 20 triệu đồng để lắp đặt hộp đen và bộ đàm".
Xem thêm: mth.35010229141403202-auq-od-ion-hcil-ud-uat-uhc-ned-poh-tad-pal-neim-taux-ed/nv.ertiout