vĐồng tin tức tài chính 365

Mua bảo hiểm nhân thọ: Phòng ngừa rủi ro hay lại gánh thêm nỗi lo?

2023-04-15 11:55

Tuần qua, sự việc được nhiều người quan tâm là vụ việc của nữ diễn viên livestream vừa khóc vừa kể chuyện đã bị tư vấn mập mờ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khiến những mặt trái trong ngành này bị rơi vào tầm ngắm và mổ xẻ ở nhiều góc độ. Theo video được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của một nữ diễn viên này, cô chia sẻ lo ngại việc có thể mất hàng tỷ đồng mà cô đã đóng theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nếu kết thúc hợp đồng sau 3 năm đóng tiền.

Thực hư việc đóng phí bảo hiểm 74 năm

Nữ diễn viên đã tham gia bảo hiểm nhân thọ được 3 năm, mức phí mỗi năm 700 triệu đồng. Theo cô chia sẻ, cô ký hợp đồng do tin người tư vấn nên không đọc kỹ hợp đồng và cho rằng rằng sau 10 năm sẽ nhận về cả gốc lẫn lãi và 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau tìm hiểu mới đây, nếu ngưng hợp đồng thời điểm này thì số tiền nhận về sẽ thấp hơn rất nhiều so với con số 2 tỷ 100 triệu đồng đã đóng theo hợp đồng, bên cạnh đó là nỗi lo thời hạn phải đóng bảo hiểm quá dài.

Phía MVI Life, công ty mà nữ diễn viên đang có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho biết, 2 bên đã ngồi lại với nhau và làm rõ các khái niệm hợp đồng và sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp.

Ông Đào Văn Đồng, Tổng Giám đốc MVI Life, cho biết: "Sản phẩm liên kết chung hoặc liên kết đơn vị thời gian được bảo vệ rất dài, có khi 75, 85, 90, thậm chí 100 năm. Nhưng thời gian đóng phí không dài như vậy. Nếu anh đóng phí hết thời gian quy định rồi, ví dụ 20 năm thì từ năm thứ 21, 22... anh được bảo vệ mà không phải đóng phí. Nếu anh rút ra số tiền ít hơn, nếu anh để đó thì sẽ tạo lãi từ đầu tư".

Cẩn trọng khi tham gia bảo hiểm

Mua bảo hiểm nhân thọ: Phòng ngừa rủi ro hay lại gánh thêm nỗi lo? - Ảnh 1.

Sau chia sẻ của nữ diễn viên, có một thực tế rất nhiều người đã vội vàng kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm và không khỏi hoang mang khi không thể hiểu hết các thuật ngữ trong hợp đồng bảo hiểm. Nhiều người thừa nhận là giống như nữ diễn viên vì không hiểu được hết các thuật ngữ và tin tưởng hoàn toàn vào thông tin mà nhân viên tư vấn bảo hiểm cung cấp. Bảo hiểm là sản phẩm tài chính có nhiều thuật ngữ, khái niệm không gần gũi với người ngoài ngành. Ngay cả nhiều chuyên gia tài chính và pháp luật không chuyên mảng bảo hiểm cũng gặp khó nên đẩy hết trách nhiệm cho khách hàng không phù hợp cả về tình và lý.

Bên cạnh đó, để tránh trường hợp khách hàng được tư vấn mà chưa thực sự hiểu rõ hợp đồng, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự giám sát kỹ lưỡng hơn nữa hoạt động của các đại lý, tư vấn bảo hiểm.

Dù còn rất nhiều quan điểm trái chiều về chia sẻ của nữ diễn viên nhưng sự việc cũng cho thấy một mảnh ghép quan trọng của thị trường bảo hiểm là đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của người tư vấn hay "người bán" sản phẩm.

Mua bảo hiểm có mạo hiểm?

Nhìn nhận khách quan mà nói, sản phẩm bảo hiểm không phải là vấn đề. Trang web của các công ty bảo hiểm định nghĩa bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng. Bảo hiểm nhân thọ là một trong những cách dự phòng tài chính dài hạn cho tương lai. Tốt như vậy, lợi ích như vậy nhưng vẫn chưa nhiều người tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm của Việt Nam chỉ 11% thấp hơn nhiều so với các nước khác. Trong khi đó, tại Philippines, khoảng 38% dân số có bảo hiểm, tỷ lệ này tại Malaysia khoảng 50%, Singapore khoảng 80%, còn Mỹ khoảng 90%.

Một trong những lý do đó là trong thời gian dài, không ít tư vấn viên đã tư vấn cho khách hàng theo kiểu mua bảo hiểm nhân thọ là kênh đầu tư tài chính có lời, chứ không tập trung vào yếu tố phòng ngừa rủi ro như bản chất của bảo hiểm này. Từ đó, mới dẫn tới thực tế lời lãi không như lời tư vấn viên, khiến người ta có cái nhìn không đúng về bảo hiểm nhân thọ.

8 hiểu lầm/lưu ý trong hợp đồng bảo hiểm

1. Toàn bộ tiền đóng vào được tích luỹ?

Có phải cứ đóng 100 triệu đồng mỗi năm là cả 100 triệu này sẽ được tích lũy để nhận lại trong tương lai? Không đâu. Nhiều hợp đồng này nêu rõ, thường 4 loại phí: chi phí ban đầu, chi phí rủi ro, chi phí quản lý HĐ và chi phí quản lý quỹ. Những phí này đặc biệt cao những năm đầu.

Mua bảo hiểm nhân thọ: Phòng ngừa rủi ro hay lại gánh thêm nỗi lo? - Ảnh 2.

2. Lãi suất cam kết = Lãi suất minh hoạ?

Theo quy định của Bộ Tài chính về mẫu hợp đồng, sẽ luôn có 2 phần liệt kê mức lãi để khách hàng tham khảo. Phần cam kết là chắc chắn nhận được, còn phần minh họa chỉ là giả định lãi suất trên thị trường diễn biến theo các mức này, như ở đây 5% hay 7% chỉ là giả định. Thực tế với nhiều công ty hiện nay, mức lãi thực tế gửi ngân hàng có khi chỉ đạt 4%, tức là dưới cả 2 mức minh hoạ.

3. Thời gian đóng phí = Thời gian bảo vệ?

Như 1 món hàng có thời hạn sử dụng, hợp đồng bảo hiểm cũng thế. Thời gian đóng phí có thể linh hoạt và ngắn hơn nhiều, chỉ kéo dài 10, 15, hoặc 20 năm thôi. Dĩ nhiên sau đó vẫn có thể đóng phí tiếp với mục tiêu tích lũy và gia tăng giá trị bảo vệ.

4. Rút hết tiền trong hợp đồng vẫn được bảo vệ?

Ở bất kỳ thời điểm nào, nếu khách hàng rút hết tiền đã gửi bảo hiểm thì hợp đồng sẽ chấm dứt và khách hàng không được bảo vệ nữa. Còn nếu hiểu là chỉ rút 1 phần tiền mà vẫn được bảo vệ thì cũng chưa đầy đủ bởi hàng năm bạn vẫn sẽ bị trừ các loại phí rủi ro và bạn càng già thì chi phí rủi ro càng cao. Đến 1 thời điểm nào đó tiền trong tài khoản sẽ về 0 và bạn không được bảo vệ nữa.

5. Mua một hợp đồng nhân thọ = Bảo vệ tất cả?

Không đúng. Vì trong hợp đồng có sản phẩm nào thì khách hàng sẽ được bảo vệ sản phẩm đó. Có nhân thọ thì được bảo vệ nhân thọ, có thẻ sức khỏe mới được bảo vệ sức khỏe nhưng khách hàng lại nghĩ mua một hợp đồng là được bảo vệ tất cả, dẫn đến kiện cáo nhiều và nói bảo hiểm lừa đảo.

6. Các loại trừ của bảo hiểm

Tư vấn viên không kỹ hoặc thậm chí vào hùa với khách để giấu giếm bệnh tật có sẵn của khách, thì đến khi công ty bảo hiểm chứng minh được bệnh tật là có sẵn từ trước thì khách hàng vẫn sẽ không được bảo vệ, gây thiệt hại về quyền lợi cho khách.

7. Thời gian chờ đối với bệnh

Thường có điều khoản chờ đối với bệnh, có thể là 30, 60 hoặc 90 ngày với bệnh ung thư hoặc các bệnh đặc biệt. Tức là nếu ngay khi bạn vừa mua bảo hiểm xong mà mắc những căn bệnh này trước khi hết thời gian chờ, bạn cũng sẽ không được bảo vệ. Không phải cứ mua bảo hiểm là được bảo vệ ngay lập tức với tất cả các loại bệnh.

8. Thời gian cân nhắc 21 ngày

Giống như chính sách đổi trả hàng sau khi bạn mua 1 bộ quần áo mà thấy không vừa hoặc phát hiện lỗi, bạn có thời hạn 21 ngày để ĐỌC HỢP ĐỒNG của mình. Tức là kể cả hợp đồng 100 trang bạn có thể dành ra mỗi ngày đọc 5 trang và sau đó nếu không ưng thì vẫn có thể sửa, hoặc thậm chí lấy lại toàn bộ tiền của mình. Vậy nên hãy cố gắng dành thời gian đọc kỹ hợp đồng nhé.

Sau mỗi vụ việc, các tổ chức vẫn khẳng định chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng khi liên tiếp nhiều trường hợp tương tự xảy ra, nó trở thành lời cảnh báo cần có hệ thống về dịch vụ tư vấn và bán sản phẩm tài chính. Các tổ chức cung cấp hay trung gian bán hàng không thể phủi sạch trách nhiệm. Do đó, một trong những giải pháp lâu dài vẫn là quản lý chặt chẽ và chuẩn hóa bộ phận đại lý và các tư vấn viên - những người tiếp xúc và chăm sóc trực tiếp khách hàng - bằng nhiều hình thức. Đây sẽ là một quá trình mang tính hệ thống mà nếu làm tốt chắc chắn sẽ khiến người dân hiểu đúng và tin tưởng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, để họ không thấy "mạo hiểm" khi mua bảo hiểm, mà ngược lại, cảm thấy yên tâm thực sự.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.39420431151403202-ol-ion-meht-hnag-ial-yah-or-iur-augn-gnohp-oht-nahn-meih-oab-aum/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mua bảo hiểm nhân thọ: Phòng ngừa rủi ro hay lại gánh thêm nỗi lo?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools