Tiến sĩ Pratik Desai, người sáng lập nhiều nền tảng AI, viết trên Twitter: “Hãy bắt đầu thường xuyên ghi lại hình ảnh, tiếng nói, hoạt động của cha mẹ, người lớn tuổi và những người thân yêu của bạn.
Với đủ dữ liệu trên, họ có 100% khả năng sẽ sống với bạn mãi mãi trên máy tính sau khi rời khỏi cơ thể vật lý. Điều này thậm chí có thể xảy ra vào cuối năm nay".
Theo Đài Fox News, các chuyên gia đã có những phản ứng trái chiều về dự báo công nghệ của tiến sĩ Desai.
AI thực sự 'sao chép' được ý thức một người?
Giám đốc điều hành blog công nghệ MediaPeanut, Victoria Mendoza, làm việc với AI hơn một thập kỷ, nói bà không tin rằng ý thức đích thực của con người sẽ đưa được vào các thiết bị kỹ thuật số trong tương lai gần.
"Mặc dù có thể tạo hình đại diện giống một cá nhân đã mất dựa trên video, bản ghi âm giọng nói, tài liệu và ảnh của họ, nhưng tôi tin rằng ý thức không chỉ là một tập hợp dữ liệu", bà Mendoza nói.
Theo bà, trải nghiệm, cảm xúc, suy nghĩ và tương tác của chúng ta định hình ý thức của chúng ta. Không thể đơn giản hóa quá trình phức tạp và năng động của ý thức thành một tập hợp các thuật toán và điểm dữ liệu.
Một công nghệ như vậy cũng sẽ đặt ra những lo ngại về đạo đức, chẳng hạn như ai sẽ sở hữu quyền đối với ý thức kỹ thuật số của một cá nhân đã qua đời? Và ý nghĩa pháp lý của việc sử dụng những hình đại diện đó cho mục đích thương mại là gì?
Chuyên gia phát triển phần mềm Drew Romero đồng tình với quan điểm của bà Mendoza. Ông nói việc tạo ra bản sao kỹ thuật số của một người đã khuất đặt ra những tác động nghiêm trọng về đạo đức, pháp lý và xã hội cần được xem xét. Chẳng hạn như quyền riêng tư, sự đồng ý, tính xác thực và các chuẩn mực văn hóa.
Công nghệ cho phép con người 'sống mãi mãi'?
Tuy nhiên, Viputheshwar Sitaraman, một nhà thiết kế, doanh nhân và nhà khoa học Mỹ, cho biết ý tưởng về AI nhân bản người thân đã khuất "đã tồn tại" và gọi dự đoán của tiến sĩ Desai là "rất thực tế".
Ông Sitaraman lấy ví dụ về Công ty Vocapsule, công ty sử dụng AI âm thanh cho công nghệ để tạo bản sao tiếng nói. Đây là sản phẩm "My Legacy Voice" hàng đầu của họ.
Somnium Space, một công ty metaverse tương thích với tai nghe thực tế ảo, gần đây đã tiết lộ một tính năng sắp ra mắt có tên là chế độ "Sống mãi mãi". Tính năng này cho phép người dùng lưu trữ dữ liệu chuyển động cùng cuộc trò chuyện của họ và tích hợp vào một hình đại diện di chuyển, nói chuyện và trông gần giống với người thật.
Giám đốc điều hành và người sáng lập Artur Sychov cho biết ông hy vọng công cụ này sẽ cho phép mọi người nói chuyện và tương tác với những người thân yêu đã khuất rất lâu sau khi họ qua đời.
Trong khi đó, một công ty sáng tạo video AI có trụ sở tại Hàn Quốc tên là DeepBrain đã tạo ra một chương trình gọi là "bộ nhớ". Đây là một dịch vụ con người ảo, sử dụng AI để tái tạo người thân quá cố của khách hàng bằng cách "bắt chước mọi khía cạnh của họ - từ vóc dáng đến giọng nói của họ".
Vào năm 2019, Công ty Hereafter AI có trụ sở tại California đã tạo ra ứng dụng đầu tiên cho phép gia đình và bạn bè "lưu giữ ký ức" về cuộc sống của người đã khuất, và họ sẽ nói chuyện với một phiên bản ảo.
Biên tập viên tin tức Charlotte Jee của tạp chí MIT Technology Review đã sử dụng công nghệ này vào năm 2022 để tương tác kỷ niệm với cha mẹ cô. Và cô đánh giá bằng hai từ "mê hoặc".
Cô Jee viết: "Lúc đầu, họ nói nghe có vẻ xa cách và nhỏ. Nhưng khi chúng tôi trò chuyện, họ nói dần nghe giống chính họ hơn. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện mà tôi chưa từng nghe. Họ cho tôi lời khuyên trong cuộc sống và nói với tôi nhiều điều về tuổi thơ của họ, cũng như của chính tôi".
Mối đe dọa từ deepfake
Các chính trị gia, nhà lập pháp và diễn viên đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về công nghệ giả mạo (deepfake). Đây là một quá trình trong đó AI học sâu được sử dụng để thay đổi, thay thế hoặc bắt chước khuôn mặt hoặc giọng nói của ai đó để đưa lên phương tiện kỹ thuật số.
Vào năm 2022, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) đã phát hành một tài liệu nêu bật "Mối đe dọa ngày càng tăng của các danh tính deepfake" đối với an ninh quốc gia.
DHS đưa ra các ví dụ về video giả mạo có cựu tổng thống Obama, Mark Zuckerberg, podcaster Joe Rogan, diễn viên Tom Cruise... Nhiều video trong số này đã được xem hàng triệu lần.
Công nghệ VR (thực tế ảo) đã giúp một người đàn ông Hàn Quốc có cơ hội gặp lại vợ mình sau bốn năm xa cách.
Xem thêm: mth.47323703241403202-tauhk-ad-naht-iougn-ial-pag-at-gnuhc-puig-ia/nv.ertiout