Cần ngăn chặn ung thư
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và cắt băng khánh thành Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM cơ sở 2. Sau đó, Thủ tướng đến thị sát tại dự án BV đa khoa khu vực Thủ Đức.
Tại BV Ung bướu, Thủ tướng chia vui với TP.HCM vì có thêm một BV nữa để khám chữa bệnh cho nhân dân. "Rất vui mừng và ấn tượng dự án BV Ung bướu cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường bệnh, hiện đã sử dụng 800 giường. BV đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, hệ thống trang thiết bị hiện đại, cơ sở khang trang, sạch đẹp…", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và nhắn nhủ BV Ung bướu cần tăng cường chuyển giao công nghệ, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường hợp tác y thuật với BV trong và ngoài nước để không ngừng nâng cao trình độ, chất lượng khám chữa bệnh.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian tới, yếu tố môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu, tình trạng già hóa dân số… và các hoạt động tác động khác, cộng với việc ít hoạt động của người dân như hiện nay thì có nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó có ung thư. Tỷ lệ mắc ung thư và tử vong ở nước ta ngày có xu hướng tăng lên, nên cần có các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời. Các cấp, ngành, các địa phương mà nòng cốt là Bộ Y tế phải xác định rõ ung thư là bệnh nan y, rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó điều trị ung thư tốn kém về mặt tài chính, đòi hỏi công nghệ cao, thiết bị hiện đại.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh phòng ngừa; tầm soát phát hiện sớm; tăng cường quản lý các bệnh trong đó có ung thư; điều trị và chăm sóc giảm nhẹ; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và tay nghề của y bác sĩ. Trong đó, cần chủ động, tuyên truyền nâng cao nhận thức và chủ động của người dân để có lối sống lành mạnh, khoa học. Từ đó từng bước ngăn chặn và đẩy lùi ung thư.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành y tế tiếp tục hợp tác công tư và có hướng dẫn để huy động các nguồn lực xã hội nhằm phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn tăng cường đầu tư công…
Giải quyết vướng mắc mua sắm, sửa chữa TTBYT
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế, giám đốc các BV thực hiện nghiêm việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT) theo tinh thần Nghị quyết 30/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT và Nghị định 07/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98 năm 2021 của Chính phủ về quản lý TTBYT.
Theo Thủ tướng, sau khi ban hành Nghị quyết 30/2023 và Nghị định 07/2023 thì việc mua thuốc, TTBYT cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, Bộ Y tế và các BV rà soát ngay còn những vướng mắc. Thí dụ như vướng mắc sửa chữa TTBYT vẫn còn 3 báo giá. Nhưng TTBYT hỏng hóc của hãng nào thì trang thiết bị sửa chữa là của hãng đó. Trang thiết bị cần sửa chữa vẫn còn 3 báo giá thì phải sửa quy định ngay.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế sửa ngay trong tháng 4 này với những gì thuộc thẩm quyền Bộ Y tế. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đề xuất ngay để sửa, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng cần kiểm soát đầu ra, tăng cường kiểm tra, giám sát và giao cho địa phương làm việc này.
Hoàn thành tuyến metro số 1 dịp 2.9
Cũng trong chiều 15.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra tiến độ triển khai dự án nút giao thông An Phú (TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Báo cáo nhanh với đoàn công tác của Thủ tướng, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông), cho biết dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.408 tỉ đồng từ vốn đầu tư công của ngân sách Trung ương và ngân sách TP, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025. Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng được kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía đông. Mỗi ngày hiện có tới 30.000 phương tiện, 20.000 container qua khu vực này.
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của chủ đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư công là 1 trong 3 động lực tăng trưởng, ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế không chỉ TP.HCM mà còn với cả nước. Các công trình giao thông trọng điểm chiếm 60% vốn đầu tư công năm 2023 của TP. Do đó, việc thực hiện mục tiêu giải ngân được ít nhất 95% là rất quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, xin ý kiến TP có lộ trình thực hiện, kết quả cụ thể, chi tiết hằng tháng, hằng quý. Nếu quý này chưa hoàn thành thì làm bù quý tiếp theo. Đồng thời, khẩn trương triển khai các công việc theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM và Thường trực UBND TP, tập trung nguồn lực, nhân lực với kế hoạch, lộ trình cụ thể, thường xuyên kiểm điểm tiến độ, báo cáo Thành ủy, UBND TP để kịp thời xử lý các vướng mắc.
Thủ tướng cũng giao các cơ quan tính toán, cân đối bố trí ngân sách T.Ư để đầu tư kết nối hoàn thiện đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (phạm vi nút An Phú), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tinh thần là dự án càng được đẩy nhanh tiến độ, việc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương sẽ càng nhanh chóng.
Song song đó, Bộ GTVT được giao thống nhất phạm vi đầu tư, quy mô và tiến độ hoàn thành dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao thông An Phú tới đường Vành đai 2) để TP.HCM có cơ sở xây dựng tiến độ triển khai nghiên cứu dự án đảm bảo đồng bộ và phát huy hiệu quả đầu tư các dự án trên tuyến.
Đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ VN
Trao đổi với Đại sứ Nhật Bản tại VN Yamada Takio trong buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên, Thủ tướng đề nghị nước bạn tiếp tục hỗ trợ VN trong xây dựng hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có đường sắt tốc độ cao; góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện VN - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn khảo sát đã tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên thuộc dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên). Theo thiết kế, đoạn trên cao có tốc độ tối đa là 110 km/giờ, nhưng quá trình chạy thử, để đảm bảo an toàn, đoàn tàu chỉ chạy tốc độ dưới 50 km/giờ.
Báo cáo nhanh với Thủ tướng, Phó trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR) Nguyễn Quốc Hiển thông tin đến nay, tiến độ thi công toàn dự án đã đạt khoảng 95%. Các vướng mắc được nêu tại cuộc làm việc lần trước của Thủ tướng đã cơ bản được tháo gỡ. Riêng vấn đề vốn cho doanh nghiệp vận hành dự án cũng đã được Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, các cơ quan đang triển khai các thủ tục để thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan, đơn vị cố gắng hoàn thành dự án Bến Thành - Suối Tiên vào dịp 2.9, trước 1 quý so với kế hoạch đưa công trình trở thành biểu tượng để chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ VN - Nhật Bản. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mới hệ thống metro của TP.HCM phù hợp định hướng phát triển mới; sớm xúc tiến dự án metro Bến Thành - Tham Lương theo tinh thần vay vốn ODA thế hệ mới của Nhật Bản, rút kinh nghiệm từ dự án Bến Thành - Suối Tiên để triển khai nhanh hơn.