Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội, chỉ cần gõ từ khóa "mua sim", "sim rác", hàng chục các hội nhóm giao dịch SIM điện thoại có số lượng thành viên lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn mỗi nhóm.
Vẫn ngang nhiên mua - bán sim rác
Trên thực tế, trong nhiều năm nay, kể cả trong giai đoạn siết thông tin thuê bao thì việc mua bán sim vẫn đang diễn ra hàng ngày trong các hội nhóm chuyên giao dịch SIM điện thoại. Nhiều tài khoản rao “xả hàng” hoặc “bán gấp” nhiều SIM và cam kết “đều là hàng chính chủ”, tức đã đăng ký thông tin với nhà mạng.
Những chiếc SIM này sở hữu nhiều mệnh giá từ vài chục ngàn, vài trăm ngàn đến vài chục triệu thậm chí vài trăm triệu tùy thuộc vào sim xấu – đẹp, và đầu số.
Thậm chí có tài khoản N.Đ.M (Hà Nội) công khai mua cần mua 20 sim rác của một nhà mạng, mỗi tháng lấy 3 -4 lần. Phía dưới phần bình luận, nhiều người cho biết sẵn sàng cung ứng sim rác cho tài khoản này.
Trước đây, một nhà mạng từng thừa nhận, những trường hợp người dùng sử dụng số điện thoại không phải do cá nhân đăng ký sở hữu thuê bao đó (thuê bao không chính chủ), nhưng thông tin đăng ký trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì vẫn được tính là hợp lệ, và tạm thời chưa bị khóa một chiều.
Đây có lẽ chính là kẽ hở giúp để SIM rác, SIM sử dụng không đúng mục đích liên lạc, vẫn ngang nhiên tồn tại tràn lan trên thị trường.
Chặn sim rác: Đúng nơi đúng chỗ
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena nhìn nhận việc chuẩn hóa thông tin thuê bao trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một động thái tích cực góp phần ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Dẫu vậy, động thái trên chỉ thỏa mãn điều kiện cần, nhưng chưa đủ để dẹp nạn SIM rác hiện nay.
“Phải nói một cách cứng rắn và thực tế rằng, việc dẹp sim rác đã diễn ra suốt bao nhiêu năm nay, nhưng chưa làm được. Bởi cứ khóa lượng SIM này thì vẫn còn một lượng SIM rác mới mọc lên, mà sim này do ai sản xuất, là do nhà mạng.
Thực tế SIM rác đang mang lại cho các nhà mạng nguồn doanh thu lớn. Do đó gốc rễ vấn đề vẫn là quản lý nguồn sim mới ở nhà mạng. Chưa kể hiện nay các quy định chế tài quá nương nhẹ, chưa quyết liệt, chưa xử lý đến cùng nếu đơn vị hay nhà mạng vi phạm nhiều lần”- ông Thắng nói.
Tương tự, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và an toàn không gian mạng Quốc Gia cũng nhìn nhận, vấn nạn sim rác đến từ hai nguyên nhân người dùng và nhà mạng.
Với nhà mạng, việc quản lý thông tin đăng ký thuê bao mới đang quá dễ dàng, phần nào gây khó xử lý dứt điểm vấn nạn SIM rác. Thêm vào đó người dân cũng chưa ý thức được việc bảo vệ thông tin cá nhân khi dùng mạng xã hội, trong đó có cả số điện thoại. Chính điều này đã khiến các cuộc lừa đảo, lẫn tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn ngang nhiên xuất hiện.
Chính vì thế, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xem xét sẽ đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 3-6 tháng nếu phát hiện các doanh nghiệp viễn thông để xảy ra sai phạm quy định về quản lý SIM. Bộ sẽ yêu cầu xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu để sai phạm về quản lý thuê bao trong lần thanh tra, kiểm tra này.