vĐồng tin tức tài chính 365

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Có hai thế giới trong tâm hồn người Việt

2023-04-16 11:05
Trong tôi như có một thế giới vang bóng những điều đã đi qua.

Tình yêu trong sáng của Văn Cao, Lưu Hữu Phước...

* Từ tác phẩm Một thời Hà Nội hát xoay quanh huyền thoại về Đoàn Chuẩn, một nhạc sĩ của không gian trữ tình riêng tư, đến Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc lại xoay quanh hình ảnh trung tâm là Lưu Hữu Phước, một nhạc sĩ của không gian tập thể. Tại sao anh chọn sự chuyển tiếp như vậy?

- Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Ngay từ khi thực hiện Một thời Hà Nội hát, tôi đã thấy là có mối liên thông giữa hai thế giới trong đời sống tình cảm của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam một giai đoạn nói chung.

Họ được cấu thành bởi hai mảng: một mặt trữ tình, yêu vẻ đẹp hoa mỹ, lối nói bóng bẩy, chất huê tình; và bên cạnh là một mảng cũng to lớn không kém, đó là lòng ái quốc.

Tại sao người ta vừa có thể hát những bài hát lãng mạn, đắm đuối của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong nhưng họ lại hát cả những bài hành khúc lên đường của Văn Cao, Lưu Hữu Phước...?

Thực ra thì cả hai tâm tình ấy bắt nguồn từ chủ nghĩa lãng mạn, vì xét cho cùng, chủ nghĩa dân tộc cũng là một ánh xạ của chủ nghĩa lãng mạn ở tầm mức đại tự sự về căn cước cộng đồng mình. Ta thường có ấn tượng hành khúc thì gân cốt, nặng tính thông điệp, chức năng.

Nhưng khi nghĩ lại quá trình ra đời những bài hát nổi tiếng mảng hành khúc, tôi mới nhận ra chúng cũng bột phát rất tự nhiên, đến từ nội tâm cá nhân, tình yêu trong sáng của những người nghệ sĩ trẻ trên dưới 20 tuổi.

* Nếu như nói Đoàn Chuẩn và Văn Cao có xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, còn Lưu Hữu Phước là một nhà nghệ thuật vị nhân sinh, anh nghĩ sao?

- Nhưng rốt cuộc vị nghệ thuật cũng để là dành cho nhân sinh mà, và ngược lại, nếu muốn vị nhân sinh được thì nó cũng phải có hàm lượng nghệ thuật.

Như Tổng bí thư Trường Chinh từng viết rằng tuyên truyền chính nghĩa "rất có thể đạt được địa vị nghệ thuật thuần túy lắm chứ".

Vậy thì Lưu Hữu Phước là đại diện mẫu mực của phong cách này, bởi con người ông có tính kết nối cộng đồng rất cao, từ bạn bè tới quần chúng.

Âm nhạc của ông luôn có những diễn cảnh lớn, thường là những bài hát cho tập thể, như Hội Nghị Diên Hồng hay Bạch Đằng Giang, xuất phát từ nhu cầu dành cho số đông học sinh sinh viên ở Trường Petrus Ký hay Đại học Đông Dương.

Trong khi đó, Văn Cao khi viết những bài hành khúc thì ông thường chỉ có một mình hay thuộc về một vài nhóm rất nhỏ. Âm nhạc Văn Cao thường có hình ảnh một người tráng sĩ cưỡi ngựa phong trần với hàm lượng tưởng tượng cao.

Thậm chí khi viết bài Bắc Sơn cho vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng, ông còn chưa lên chiến khu Bắc Sơn mà ông chỉ tưởng tượng ra đoàn quân du kích "ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió". Hay ông có những bài hát về hải quân, không quân Việt Nam ngay từ khi những quân chủng này còn chưa ra đời.

Những tác phẩm của Nguyễn Trương Quý

Những tác phẩm của Nguyễn Trương Quý

Tôi không nghĩ quá khứ luôn chuẩn mực

* Văn Cao là nhân vật được nhắc tới rất nhiều trong Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc. Những giai thoại về vụ ám sát mật thám của Nhật - Đỗ Đức Phin, hình ảnh tráng sĩ trong những bài hát của ông đối lập với hình ảnh mà ngày nay khán giả thường nghĩ về ông - một cụ già gầy gò, có phần khắc khổ. Phải chăng chính sự đa lớp này tạo nên sự hấp dẫn trong huyền thoại về ông so với một Lưu Hữu Phước khá nhất quán?

- Với Văn Cao, đó đúng là điểm nhận diện khiến câu chuyện của ông rất đặc biệt. Văn Cao là một người luôn có thói quen tìm tòi cách thức diễn đạt mới, và những tai nạn mà ông gặp phải cũng đến từ nhu cầu tìm một sự biểu đạt khác, khiến ông bị phê phán đích danh trong những cuộc kiểm thảo về sau.

Nhưng quan trọng là cơ chế tạo ra huyền thoại Văn Cao rất gần với kiểu câu chuyện "tài mệnh tương đố", những người tài nhưng sinh bất phùng thời, mà người Việt Nam có vẻ rất yêu thích.

Trong khi Lưu Hữu Phước lại có tư tưởng rất quyết liệt, cam kết với lý tưởng bản thân, âm nhạc của ông rành mạch và rõ ràng, có tính mục đích cao, còn âm nhạc Văn Cao lại nhấn vào trải nghiệm hành trình gian khổ, chẳng hạn như hình ảnh "con đường gập ghềnh xa".

Có thể nói Văn Cao như một chân dung đang được chờ khám phá, còn Lưu Hữu Phước như một hình tượng đã được hoàn thiện.

Tuy nhiên, các tác phẩm đầu của Lưu Hữu Phước cũng rất nhiều băn khoăn, và âm nhạc của ông đặc sắc đến mức ngay cả những người ở thể chế khác cũng từng say mê.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Hay một số nhân vật khác như Hoàng Quý thì hay kêu gọi về sự hiệp đồng, còn Phạm Duy lại có xu hướng xây dựng hình tượng người cô lữ, dù đi kháng chiến thì cũng là người quan sát rất cá nhân.

Nói cho cùng, đó là một giai đoạn với nhiều xu hướng khác nhau, và họ cùng ngồi lại và tạo nên một âm quyển, không khí văn hóa đa dạng, dù tiếc là không duy trì được lâu dài.

Và tôi cứ cảm thấy mình có một sợi dây gắn kết với những gì có tính huyền thoại như thế, trong tôi như có một thế giới vang bóng những điều đã đi qua.

* Có bao giờ anh nghĩ mình giống như nhân vật chính trong bộ phim Midnight in Paris của Woody Allen, người cho rằng quá khứ thì luôn đẹp đẽ hào hoa hơn hiện tại?

- Hồi bé, nhà tôi có một cái đài cassette với những băng nhạc của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, nhạc tiền chiến.

Khi ấy tôi luôn cảm thấy có một không gian âm nhạc đẹp đẽ vọng lên từ đấy, để rồi khoảng năm lớp 9, lớp 10, tôi nghe được một cuốn băng Khánh Ly hát Đoàn Chuẩn mà ấn tượng đến nỗi tôi cứ đi tìm mãi một ông Đoàn Chuẩn như thế.

Với tôi, những nhân vật mà tôi khảo cứu đôi khi như những người bạn trong tâm trí. Ở họ không có thái độ chủ nghĩa tinh hoa.

Tôi thấy nể nhất là những trí thức ấy họ lại rất nồng nhiệt, chân tình, rất khác với những trí thức tinh hoa ở một số nước khác có vẻ quý tộc, xa hoa, cách biệt với đám đông.

Nhưng tôi không nghĩ quá khứ thì luôn là chuẩn mực. Sự cảm nhận của mỗi giai đoạn phụ thuộc vào bối cảnh và những dữ liệu văn hóa họ có được.

Mình không thể nào đồng nhất mình với người quá khứ, bối cảnh quá khứ chỉ là một cái phông nền cho những kiến giải của mình để tìm tòi một cơ chế tạo dựng những mã hiệu văn hóa của một giai đoạn thôi.

Ở đâu đó tôi không khỏi cảm thấy tiếc nuối với những giá trị quá khứ. Thế nhưng nếu ta coi đó là cái đẹp vĩnh cửu tuyệt đối thì cũng hơi võ đoán, dù tất nhiên, những tác phẩm thời ấy đã tạo nên chuẩn mực của một giai đoạn, đã thể hiện được tối đa phương diện thẩm mỹ của thời đại, xây dựng nên cả một hệ sinh thái văn hóa nuôi dưỡng nhiều thế hệ sau, và tôi nghĩ điều đó là vô cùng đáng kể.

* Tại sao với những dữ kiện anh có, anh lại không viết nên một tiểu thuyết về tân nhạc?

- Từ năm 2015 sau khi ra cuốn tản văn Mỗi góc phố một người đang sống, tôi cảm thấy mình phải viết theo kiểu khác.

Tản văn có giới hạn vì số lượng từ đăng báo, trong khi đây là những câu chuyện quá lớp lang, vài vạn từ cũng là không đủ, dù đến bây giờ tôi vẫn tận dụng những tư duy về câu cú, ẩn dụ hay những thủ thuật của văn học trong du khảo.

Tôi cũng đã từng nghĩ đến hay là viết tiểu thuyết về Lưu Hữu Phước với Văn Cao, nhưng nếu viết tiểu thuyết thì mình sẽ không thể vận dụng những phương pháp khoa học để tái hiện lại bầu không khí ấy, hay đưa vào những bảng biểu, so sánh, mà như thế thì phí quá.

Tiểu thuyết lại đòi hỏi giải quyết một vấn đề khác, một cách thức nhận diện khác, nhưng trong một vài năm nữa, có thể tôi sẽ cố gắng tập trung vào mảng hư cấu vẫn với mạch này.

Nguyễn Trương Quý là nhà văn, nhà nghiên cứu, tác giả hơn 10 cuốn sách về Hà Nội và sự phát triển của tân nhạc, trong đó cuốn sách mới nhất là Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc.

Anh cũng là dịch giả tác phẩm Rock Hà Nội & Bolero Sài Gòn - Câu chuyện tân nhạc Việt Nam của Jason Gibbs, cũng như tác giả nhiều bài viết chuyên sâu về tân nhạc trên báo Tuổi Trẻ và các tờ báo khác. Cuốn Một thời Hà Nội hát của anh được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019.

Bùi Giáng - nguồn nhiệt hứng trào dângBùi Giáng - nguồn nhiệt hứng trào dâng

Đã có hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo và thi ca nhạc họa viết về "thi sĩ kỳ dị" Bùi Giáng. Vì vậy, cuốn sách mới nhất về Bùi Giáng của nhà văn, dịch giả Bửu Ý sẽ khiến độc giả thắc mắc: có gì mới không?

Xem thêm: mth.26582439061403202-teiv-iougn-noh-mat-gnort-ioig-eht-iah-oc-yuq-gnourt-neyugn-nav-ahn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Có hai thế giới trong tâm hồn người Việt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools