vĐồng tin tức tài chính 365

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 6: Bom nổ, máu loang, bồ câu vẫn bay

2023-04-16 13:31
Trẻ em chơi diều trên đồi Wazir Akbar Khan (Kabul)

Trẻ em chơi diều trên đồi Wazir Akbar Khan (Kabul)

Một năm rưỡi sau khi cuộc xung đột giữa chính phủ cũ, quân đội Mỹ với Taliban chấm dứt, dấu ấn căng thẳng an ninh suốt 20 năm ở Kabul vẫn còn đó trong mắt du khách. 

Nhiều khu vực trọng yếu trong thành phố đều che chắn bằng những bức tường bê tông dày và cao quá đầu người, được bảo vệ bởi những tay súng bắn tỉa và lính canh vũ trang kiểm soát mọi lối ra vào.

"Trời kêu ai nấy dạ"

Hầu như không ngày nào ra phố Kabul mà chúng tôi không đi ngang qua "đặc sản" của thành phố này là các bức tường bê tông dày ngăn cách phố xá với bên trong như Phủ Tổng thống, trụ sở các ban bộ ngành, khu vực quân sự... 

Nhiều đoạn tường được sơn vẽ các khẩu hiệu là tuyên ngôn đức tin bằng chữ màu đen. Sự căng thẳng giảm bớt khi một số chỗ vẫn còn hình vẽ cũ từ nhiều năm trước tuyên truyền về y tế, giáo dục, có cả hình phụ nữ, trẻ em và biểu tượng hòa bình.

Chúng tôi thường xuyên chạm mặt nhiều binh sĩ Taliban vắt súng AK sau lưng qua lại trên phố như thường dân, hoặc những tốp đông lính đi tuần tra bằng xe jeep quân sự có trang bị súng máy. Nhiều người lính vẫn trùm vải đen che kín đầu và mặt, chỉ lộ phần mắt.

Công bằng mà nói Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan nay đã có hòa bình tương đối ở một góc nhìn nào đó khi Taliban từ vai "phản diện" trở thành lực lượng đảm trách an ninh cho quốc gia đầy phức tạp này. Thế nhưng vấn đề an ninh vẫn căng thẳng với chính quyền đương nhiệm. 

Nhiều thành phần vẫn ẩn lánh ngay giữa lòng Kabul. Đơn cử như hồi tháng 7-2022, Mỹ tiêu diệt được thủ lĩnh Al Qaeda Ayman Al Zawahri ở trung tâm thành phố bằng máy bay không người lái.

ISIS-K, một nhánh của Tổ chức khủng bố IS và đối nghịch với Taliban, lên tiếng nhận trách nhiệm nhiều vụ tấn công bằng bom và súng trên khắp Afghanistan từ cuối năm 2021 đến nay. 

Bệnh viện quân y, nhà thờ, cơ sở giáo dục, khách sạn nhiều người nước ngoài lưu trú, khu vực đại sứ quán Nga (tháng 9-2022), Pakistan (tháng 12-2022)... đều đã bị IS tấn công, gây ít nhiều thương vong. 

Không chỉ Kabul, từ tỉnh Kunduz miền bắc cho đến thành phố Herat phía tây đều có xảy ra các vụ nổ khủng bố chết người.

Dẫu có chút bận tâm an ninh, chúng tôi cũng không thể bỏ qua cơ hội tham quan những khung cảnh tuyệt đẹp và nhiều di sản cổ ở Kabul nói riêng và Afghanistan nói chung. 

Cuộc sống đô thị chốn đây vẫn tiếp diễn trong muôn vàn khó khăn, kể cả sự chết chóc có thể xảy ra bất cứ lúc nào theo kiểu "trời kêu ai nấy dạ".

Bồ câu bay rợp trời ở nhà thờ Shah-Do Shamshira Jamia - Ảnh: T.NGHĨA

Bồ câu bay rợp trời ở nhà thờ Shah-Do Shamshira Jamia - Ảnh: T.NGHĨA

Ngẩn ngơ cánh diều và bầu trời rợp bồ câu

Đi qua khu phố ngoại giao từng có sứ quán nhiều nước đóng đô ở Kabul nay rất vắng vẻ, chúng tôi lên ngọn đồi Wazir Akbar Khan (tên vị vương trẻ tuổi ở Afghanistan lên ngôi năm 1842, qua đời vì dịch tả năm 1847). 

Không phí mồ hôi cật lực leo tới đỉnh đồi vì đây là nơi lý tưởng nhất để du khách ngắm nhìn toàn cảnh Kabul từ trên cao. 

Đó là một cảnh tượng đặc biệt có thể khiến bạn ồ lên trầm trồ, khi chiêm ngưỡng thành phố với nhiều tổ hợp kiến trúc, phong cách xây dựng và nếp sống bình dân của người Kabul.

Trên đồi, có nhiều lính Taliban từ khắp nơi tìm về để chụp hình lưu niệm lẫn selfie bên cột cờ trắng to nhất quốc gia của phe này. Nhưng chúng tôi chỉ vui khi gặp những cô bé bán trứng luộc dạo có ánh mắt xoe tròn rất xinh và nhiều chú bé vô tư chạy nhảy chơi diều trên thảm cỏ xanh. 

Thả diều vốn là trò giải trí "quốc hồn quốc túy" được trẻ em lẫn người lớn yêu thích ở Afghanistan, song từng bị Taliban cấm đoán trong thời kỳ nắm quyền đầu tiên. 

Giờ đây tận mắt thấy trẻ em địa phương tung tăng vui đùa bên những con diều nhỏ bằng nhựa mỏng hình quả trám, cánh bướm, chúng tôi chỉ mong sao các em luôn có những không gian hồn nhiên, tự do nhất tựa như cánh diều đang bay lượn trên không trong nắng.

Dù là người ngoại đạo, song bạn đến Kabul thì không thể không tham quan các thánh đường, đền thờ. 

Có khoảng 20 nhà thờ tại thủ đô là địa điểm tín ngưỡng cho người dân với nhiều kiến trúc đặc biệt. Nhà thờ Abdul Rahman (còn được gọi là Nhà thờ Lớn) màu cam rất uy nghi, có riêng một tầng dành riêng cho phụ nữ đến cầu nguyện.

Thánh đường linh thiêng Karte-Ye-Sakhi rộng 10.000m2, nổi bật với nghệ thuật trang trí Mosaic khảm đá mảnh màu xanh dương nằm ở chân đồi đông đúc dân cư Asamayi, nay còn gọi là Đồi Truyền hình. 

Vùng này thuộc khu dân cư lâu đời nhất Kabul, từng được đề cập trong Rigveda - cuốn kinh cổ nhất của đạo Hindu (khoảng năm 1500 - 1000 trước CN). Đến thánh đường nằm cạnh nghĩa địa khổng lồ Sakhi này, chúng tôi thấy nhiều trẻ em chơi đùa, đông đảo gia đình ngồi thư giãn hoặc cầu nguyện. 

Có nữ du khách không quấn khăn che mặt giơ điện thoại chụp ảnh, say mê quay hình vì không cưỡng lại vẻ đẹp của công trình kiến trúc tinh xảo và lộng lẫy hàng đầu Afghanistan.

Đi mỏi, chúng tôi đón taxi đi qua sông Kabul đến nhà thờ Shah-Do Shamshira Jamia - nghĩa là "Nhà thờ của vị vua có hai thanh kiếm". 

Nhà thờ có màu vàng mỡ gà kiểu Ý này có mô hình giống như nhà thờ Ortaköy ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), được xây dựng trong triều đại của tiểu vương và vua Amanullah Khan - người đi vào lịch sử khi tuyên bố Afghanistan độc lập khỏi Vương quốc Anh vào năm 1919. 

Chiều thứ sáu nên nơi đây có hàng ngàn tín đồ đến làm lễ trọng. Họ trải thảm cá nhân, thành kính đứng rồi quỳ chật kín từ trong ra ngoài sân trong sự giám sát, bảo vệ của các tay súng.

Có cả những chiếc xe quân sự nhiều lính vũ trang cũng trờ tới dừng lại trước giáo đường trang nghiêm. Tiếng kinh cầu vang lên từng hồi, bầy chim bồ câu hàng ngàn con bay lượn rợp bầu trời Kabul, làm xao lòng lữ khách phương xa.

Vụ đánh bom liều chết gần nhất ở Kabul do IS gây ra xảy ra ngày 27-3-2023, ngay khu vực gần trụ sở Bộ Ngoại giao nước này vốn được bảo vệ an ninh rất nghiêm ngặt, khiến 6 dân thường thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ "các vụ tấn công khủng bố liên tiếp" nhắm vào dân thường ở Afghanistan. Thời gian qua, chính quyền Taliban có nhiều nỗ lực truy quét, tiêu diệt hàng chục phần tử khủng bố vốn là thủ phạm gây ra các vụ tấn công nhằm bảo đảm an ninh cho đất nước.

Kabul là một "thành phố buồn" mỗi khi chiều về, chỉ có tiếng kinh cầu được phát ngân nga qua vạn mái nhà tắt đèn tĩnh lặng và các dãy núi mờ mờ xa xa.

Nhưng cũng là Kabul - với mỗi buổi sớm mai rộn rã sắc màu với rất nhiều xe bán nước trái cây gồm cam, táo, lê, mía, chuối, lựu... Hạt lựu được bán rất nhiều trên đường phố cũng như các điểm tham quan công cộng.

Loại trái cây thanh nhiệt này có thể giúp Afghanistan thu về 50 triệu USD xuất khẩu mỗi mùa. Tôi mua ly nước ép lựu đỏ đậm đà vitamin C ở đây chỉ 40 AFN (10.000 đồng) để nạp sức đề kháng rồi cuốc bộ đến các điểm tham quan ở thủ đô.

Một đại lý chào gói du lịch ra ngoài Kabul bao gồm xin giấy phép, hướng dẫn viên, tài xế và cả vệ sĩ cho đỡ sợ. Tiếc là cái giá khá "chát": 15 triệu đồng/người khiến chúng tôi muốn tự đi. Làm thế nào đây?

Kỳ tới: Những người Việt lang thang Afghanistan

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 5: Đi "chợ trời" xứ bom đạn triền miênĐến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 5: Đi 'chợ trời' xứ bom đạn triền miên

Nền văn hóa dân gian cổ của Afghanistan có câu "Mọi thứ đều đến với Kabul". Vì sao vậy? Đến "chợ trời" khổng lồ Pul-e Khishti được ví như "viên ngọc quý" thì bạn có thể hiểu trong sự choáng ngợp kỳ lạ.

Xem thêm: mth.22783710061403202-yab-nav-uac-ob-gnaol-uam-on-mob-6-yk-nabilat-ioht-natsinahgfa-ned/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 6: Bom nổ, máu loang, bồ câu vẫn bay”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools