Tại buổi nói chuyện với hơn 500 phụ huynh lớp 9 vào ngày 15-4, thầy Nguyễn Minh cho rằng: "Trước đây, học sinh đạt được các tiêu chí giỏi, chăm, ngoan là rất tốt rồi. Nhưng bây giờ, hệ tham chiếu cho trẻ là kỹ năng thích ứng, chung sống và phát triển. Ngoài giỏi, chăm, ngoan, học sinh bây giờ còn cần thêm nhiều kỹ năng khác nữa".
Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại cho rằng giỏi, chăm, ngoan là yếu tố căn cốt làm nên thành công của mỗi con người. Dù ở thời đại nào thì học sinh vẫn rất cần giỏi, chăm, ngoan.
Không giỏi, chăm, ngoan nhưng vẫn thành công
Buổi họp lớp của cựu học sinh khóa 1991 - 1994 một trường THPT ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) vừa diễn ra hồi tháng 3-2023 đã làm cho nhiều người sốc. Nhân vật chính làm cho mọi người sốc sau gần 30 năm gặp lại là H..
Thời đi học, H. là nam sinh nổi tiếng quậy nhất lớp, lười học nhất lớp. Có năm H. phải thi lại đến hai môn mới được lên lớp. Vậy mà bây giờ H. lại là người thành đạt nhất lớp, với vị trí người sáng lập kiêm giám đốc điều hành một công ty chuyên về cơ khí.
Cô V., cô giáo dạy toán kiêm giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 của H. ngày xưa, đã đúc kết: "Cô đi họp lớp với học sinh nhiều thế hệ mới nhận ra rằng có những em học sinh ngày xưa không giỏi, chăm, ngoan nhưng sau này lại rất thành đạt, cuộc sống sung túc hơn những em ngày xưa là học sinh giỏi, chăm, ngoan".
Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, trước đây xã hội nói chung và các nhà trường nói riêng đánh giá năng lực học sinh thông qua kết quả học tập các môn văn hóa của trẻ.
"Học sinh đạt điểm cao các môn toán, văn, lý, hóa... được xem là giỏi. Tuy nhiên, quan điểm giáo dục bây giờ đã khác xưa. Con người có nhiều loại trí thông minh khác nhau. Thế nên, một học sinh không học giỏi các môn văn hóa nhưng có năng khiếu vẽ rất đẹp, hát rất hay, chơi bóng bàn rất giỏi" - vị cán bộ này nói.
Ông kết luận: "Tiêu chí giỏi, chăm, ngoan không còn là hệ tham chiếu duy nhất, tuyệt vời nhất đối với một đứa trẻ. Bởi trên thực tế, nhiều học sinh trước đây đi học không giỏi, không chăm, không ngoan nhưng sau này ra đời lại rất thành công trong cuộc sống".
Hai mặt của "ngoan"
Cô L., giáo viên lớp 5 một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.HCM, kể: "Năm nay, lớp tôi có một nam sinh học rất giỏi. Em siêng năng, luôn học bài và làm bài đầy đủ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và thầm ước phải chi cả lớp em nào cũng được như nam sinh này thì giáo viên đỡ vất vả biết bao nhiêu.
Thế nhưng, khi dạy em hết học kỳ, tôi mới thấy nhược điểm của em cũng chính là ưu điểm của em. Em ngoan tới mức luôn nghe lời và làm theo tất cả những yêu cầu của tôi và các giáo viên bộ môn.
Ở nhà cũng vậy, mẹ em kể là ba mẹ em ly hôn từ nhỏ, vì không muốn làm phật ý mẹ nên em luôn vâng theo lời mẹ. Vì em học rất tốt, chỉ là hơi ít nói, nên tôi đề nghị em làm tổ trưởng. Nhưng chỉ được hơn một tuần thì các bạn trong tổ "biểu tình" đòi thay người khác do ai nói gì em cũng gật, không có chính kiến để bảo vệ quyền lợi của tổ mình.
Trong đợt kiểm tra cuối học kỳ 1 vừa rồi, em đã bị điểm kém do giáo viên người nước ngoài hiểu sai ý em khi kiểm tra kỹ năng nói tiếng Anh. Vậy nhưng em không có ý kiến gì mà về méc mẹ"...
Cô L. chia sẻ: "Trong suốt 7 năm đứng lớp, với vai trò là giáo viên, tôi thích trẻ nghe lời mình hơn. Như vậy, giáo viên đỡ mất sức trong quá trình giáo dục học trò. Tuy nhiên, đến năm nay thì tôi nghĩ khác, nam sinh trong câu chuyện kể trên thiếu kỹ năng phản biện và giải quyết vấn đề. Em luôn luôn nghĩ người lớn nói gì, làm gì cũng đúng. Thậm chí nhiều lần bị xử ép trong các ngày hội của trường, em vẫn lặng im dù không vui".
Thế nhưng, khi người viết bài này làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi với 28 phụ huynh trí thức có con học tiểu học, THCS ở quận 1, quận 3, TP Thủ Đức thì kết quả lại khác. 20/28 phụ huynh đã trả lời rằng: trẻ ngoan là rất tốt, rằng họ quá đau đầu khi con cái bây giờ không biết nghe lời cha mẹ.
"Tôi nói cái gì con cũng cãi, mà cãi một cách rất lý lẽ khiến nhiều khi tôi cũng "đứng hình", không biết phải xử lý như thế nào. Ví dụ, khi thấy cô con gái lớp 4 đi học về mà la cà đọc sách, xem phim đến 19h vẫn chưa đi tắm, tôi nhắc thì con cãi: "Cơ thể này là của con. Con muốn tắm lúc nào con tắm, mẹ đừng áp đặt" - chị Hoa, phụ huynh ở quận 3, phân trần.
Không những thế, nhiều phụ huynh có con học lớp 7, lớp 8 còn rất bức xúc khi con mình làm những điều sai trái nhưng vẫn cãi lấy được - như lời bộc bạch của chị Thanh Anh, phụ huynh ở quận 1: "Con mình chơi với một nhóm bạn xấu, thường xuyên không học bài làm bài, thường xuyên bị cô chủ nhiệm mời phụ huynh lên làm việc. Mình phân tích cho con hiểu để tránh xa đám bạn ấy.
Không ngờ thằng con mới học lớp 8 cãi lại bố mẹ rằng các bạn ấy học dở nhưng đối xử với bạn bè hết lòng. Bố mẹ đừng lấy kinh nghiệm thời xa xưa của mình để áp đặt lên tụi con. Thời bây giờ đã khác rồi, con cũng lớn rồi, hãy cho con quyền tự quyết về cuộc đời mình".
Tuổi Trẻ mong tiếp tục nhận được ý kiến bạn đọc. Bài viết tham gia diễn đàn xin email tới giaoduc@tuoitre.com.
Ngày 15-4, tại buổi nói chuyện với hơn 500 phụ huynh lớp 9 về tuyển sinh lớp 10, TS Nguyễn Minh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết: "Thời nay, tiêu chí giỏi, chăm, ngoan không còn phù hợp với học sinh…".
Xem thêm: mth.35690848071403202-yan-yagn-naogn-mahc-ioig-neyuhc-iac-hnart/nv.ertiout