Ngày 5-12, tại di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia nhà thờ Quận công Nguyễn Công Cơ ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Ban quản lý di tích phường Xuân Đỉnh, nhân dân địa phương và dòng họ Nguyễn Công đã tổ chức lễ kỷ niệm 290 năm ngày mất của tiến sĩ Quận công Nguyễn Công Cơ (1675 - 1733).
Nhiều người ngày nay không biết về vị quan đặc biệt này, nhưng ông được sử gia nhiều thế hệ tôn xưng là một trong số ít vị quan có tài đức, có công lao lớn với dân với nước.
Phan Huy Ích từng viết thơ về Nguyễn Công Cơ, trong đó nhận định "tinh hoa tài hạnh ở ông đều đủ cả".
Không những được người trong nước vinh danh, khi ông đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Công Cơ còn được vua quan nước này trọng nể khiến chuyến đi của ông thành công lớn.
Đặc biệt, tài đức của ông còn khiến hai đại thần nhà Thanh, thuở nhỏ theo học ông ở Việt Nam, đã lập miếu thờ ở Trung Quốc ngay khi ông còn sống. Câu chuyện ly kỳ này Nguyễn Công Cơ ghi lại trong Sứ trình nhật lục.
Nguyễn Công Cơ và chuyến đi sứ thành công
Theo thông tin từ cuốn sách Quận công Nguyễn Công Cơ - Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Anh Thái, Nguyễn Công Cơ tên hiệu là Cảo Hiên, tên húy là Tự Cẩm, tước Cảo quận công và Cơ quận công.
Ông là người làng Minh Quả, tên nôm là làng Cáo, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Nguyễn Công Cơ là người hiếu học. Năm 13 tuổi, ông đã dự thi Hương khoa Đinh Mão niên hiệu Chính Hòa thứ 8 (1687) thi đỗ Tam trường.
Năm 19 tuổi, ông dự thi Hương khoa Quý Dậu đỗ Hương cống.
Năm 23 tuổi, mùa đông năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), ông dự khoa thi Hội, trúng Tứ trường.
Vào thi Đình, ông được ban Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Ông là người trẻ nhất đỗ khoa thi tiến sĩ năm ấy.
Dấu ấn đậm nét nhất của Nguyễn Công Cơ có lẽ là lần đi sứ sang Trung Quốc năm 1715.
Với tài ngoại giao khôn khéo, Nguyễn Công Cơ đã buộc triều đình nhà Thanh phải hủy bỏ nhiều quy định phiền hà, các lệ như cống nạp sừng tê, vàng giảm về số lượng.
Lệ cống "người bằng vàng thế mạng Liễu Thăng" có từ thời Lê Sơ mà một số sử sách ghi chép, đến cuộc đi sứ này của Nguyễn Công Cơ, cũng được hủy bỏ.
Chính vì thành công của đợt đi sứ này mà ông được triều đình thăng làm Thượng thư Bộ Binh.
Đến năm Canh Tý niên hiệu Bảo Thái thứ nhất (1720), tháng 4, mùa hạ, triều đình tổ chức khảo xét công trạng 10 năm của tất cả quan lại, lúc bấy giờ, Nguyễn Công Cơ đang là quan văn được dự hạng thượng khảo, kết quả ông đứng bậc nhất, được ban tước Cảo quận công.
Vô tình gặp miếu thờ chính mình
Chuyến đi sứ thành công ngoài nhờ vào tài ngoại giao, trí tuệ trác việt của Nguyễn Công Cơ và đoàn sứ bộ còn có sự hỗ trợ, giúp sức của những học trò người Trung Quốc của Nguyễn Công Cơ lúc đó đã là các vị quan trong triều Thanh.
Theo Sứ trình nhật lục được Trần Anh Thái viết lại trong cuốn sách Quận công Nguyễn Công Cơ - Cuộc đời và sự nghiệp, họ, đặc biệt là hai anh em Phùng tướng quân - tổng đốc đại thần tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, học trò và tuần phủ Triết Giang, đã mách bảo người thầy đáng kính của mình những mánh khóe bóc lột của nhà Thanh để thầy đối phó.
Khi đoàn sứ bộ nước ta do Nguyễn Công Cơ dẫn đầu đến địa giới tỉnh Quảng Đông, dừng chân nghỉ lại phía trước một ngôi miếu, đoàn định vào miếu thắp hương thì bị ngăn lại.
Sau đó ông mới được biết đây chính là ngôi miếu thờ… mình.
Hai anh em Phùng tướng quân hồi nhỏ theo gia đình sống ở Việt Nam, phường Hà Khẩu (Hà Nội). Lúc đó hai anh em có theo học thầy Nguyễn Công Cơ. Những người học trò này sau khi về nước tiếp tục học cao, đỗ tiến sĩ, ra làm quan.
Nhớ ơn người thầy nên họ đã lập miếu thờ, lấy ngày sinh của thầy tổ chức cúng tế.
Khi được gặp lại người thầy họ kính trọng đang đi sứ Trung Quốc thì họ hết sức cung kính đón tiếp, đưa rước và hỗ trợ phía sau chuyến công du ấy.
Bên cạnh sự nghiệp quan trường, Nguyễn Công Cơ còn được biết đến là một nhà văn, nhà thơ để lại nhiều sáng tác có giá trị như: Hoàng Hoa thuật thực ký, Sứ trình nhật lục, Tương sơn hành quân thảo lục.
Những bài thơ, bài văn của ông đều toát lên tinh thần đau đáu vì dân, vì nước.
Với những kết quả nghiên cứu mới, cần đánh giá lại về nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật. Ông là một danh nhân văn hóa rất đáng kính trọng, có thể xếp ngang hàng với các nhà khoa bảng, nhà bác học lớn như Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn…