Xu hướng này rất hiếm gặp trong năm qua, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến thị trường năng lượng bị siết chặt và các nước châu Âu đổ xô mua tích trữ. Hiện tại, các kho chứa ở nhiều nước, từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha, đang đầy lên. Đây là kết quả của mùa đông ấm và nỗ lực giảm tiêu thụ. Các tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - giải pháp thay thế cho khí đốt đường ống của Nga - hiện phải lênh đênh hàng tuần trên biển vì chưa tìm được khách mua.
Nhu cầu khí đốt thường lao dốc khi mùa sưởi ấm kết thúc, trước cả khi thời tiết nóng nực xuất hiện. Sau đó, khí đốt sẽ được đưa vào các kho dự trữ để chuẩn bị cho mùa tiếp theo. Nhưng năm nay, các nỗ lực làm đầy kho khí đốt tại châu Âu có thể hoàn thành ngay trong tháng 8, Morgan Stanley dự báo.
"Có vẻ đang có đợt dư thừa khí đốt ngắn hạn, gây sức ép lên giá LNG trong vài tuần tới. Điều này có thể khiến giá khí đốt giảm nhẹ", Talon Custer – nhà phân tích năng lượng tại Bloomberg Intelligence cho biết.
Dù giá khí đốt tại châu Âu và châu Á đã lao dốc so với đỉnh năm ngoái, chúng vẫn cao hơn nhiều so với trung bình 10 năm qua. Đây là tín hiệu đợt dư thừa hiện tại có thể sớm biến mất. Custer cho rằng giá "có thể sắp chạm sàn". Sau đó, giá khí đốt rẻ sẽ kéo nhu cầu lên cao.
Mọi sự chú ý đang dồn vào mùa hè. Nếu thời tiết nắng nóng và khô hạn kỷ lục, nhu cầu có thể tăng tốc. Đến đầu quý III - thời điểm các hãng nhập khẩu bắt đầu chuẩn bị cho mùa đông, cạnh tranh LNG sẽ lên cao.
Nhưng hiện tại, tình trạng dư thừa vẫn đang lan rộng. Tại Tây Ban Nha – nơi có nhiều cảng tiếp nhận LNG nhất châu Âu, các kho dự trữ khí đốt hiện đầy 85%. Việc này đồng nghĩa thị trường này có thể nhanh chóng chuyển sang thừa khí đốt, gây sức ép lên giá giao ngay, RBC Capital Markets cho biết.
Tại Phần Lan, số lô nhập khẩu LNG cho mùa hè cũng giảm từ 14 xuống 10, một phần do nhu cầu tiêu thụ được dự báo giảm. Châu Âu đã nhanh chóng lắp đặt nhiều cảng tiếp nhận LNG di động khi giảm phụ thuộc vào khí đốt đường ống của Nga. Nhiều cảng di động sẽ được bổ sung trong năm nay và năm tới.
Trong khi đó, xuất khẩu LNG toàn cầu cũng bật lại trong tháng 3 và lập đỉnh mới, một phần nhờ sự phục hồi sản xuất tại Mỹ. Nguồn cung bổ sung càng khiến giá giảm khi giới buôn khí đốt chật vật tìm khách mua cho các lô hàng mới.
Xuất khẩu khí đốt của Anh sang châu Âu đang tăng vọt do nước này thiếu cơ sở lưu trữ. Trung Quốc cũng tái xuất lượng lớn LNG do kinh tế trong nước hồi phục chậm sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid. Một số tàu đang chuyển hướng khỏi Hàn Quốc – một nước nhập khẩu LNG lớn khác. Nhật Bản cũng đang đề nghị bán bớt khí đốt để giải quyết tình trạng dư cung trong nước.
Tại Nam Mỹ, nhu cầu sẽ vẫn còn yếu đến khi Argentina hoàn thành cảng nổi thứ hai trong tháng 5 để nhập khẩu cho mùa đông, Leo Kabouche – nhà phân tích tại Energy Aspects cho biết.
Dù vậy, các rủi ro nguồn cung vẫn còn, từ việc Nga giảm thêm xuất khẩu đến khả năng khai thác gián đoạn đột ngột. Giới chuyên gia vẫn cho rằng nguồn cung LNG toàn cầu bị hạn chế trong 2 năm tới.
Giá khí đốt trong các hợp đồng kỳ hạn được dự báo tăng trong vài tháng tới, đặc biệt trong mùa đông, và có thể tiếp tục đi lên cho đến năm 2025. "Năm nay, tình hình cung – cầu khí đốt tại châu Âu sẽ dễ tổn thương hơn năm ngoái", Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp cho biết trong một báo cáo tuần trước, "Bất kỳ sự gián đoạn nhỏ nào về nguồn cung cũng sẽ gây ra tác động lớn".
Hà Thu (theo Bloomberg)