Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, bên cạnh các giải pháp về chất lượng nguồn nhân lực; hạ tầng kết nối, việc phát triển các cụm, khu công nghiệp xanh là lý do quan trọng giúp địa phương này có được dòng vốn FDI chất lượng, bền vững.
Hơn 200 triệu USD (tương đương 4.700 tỷ đồng) là cam kết của các doanh nghiệp trong việc xây dựng cụm công nghiệp trung hòa carbon đầu tiên tại tỉnh Bình Dương với 3 hạng mục: Sử dụng năng lượng mặt trời; Xây dựng hệ thống xử lý chất thải - nước thải; Công nghệ tái tạo chất thải công nghiệp. Ít nhất 20 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động tại cụm công nghiệp khi dự án đưa vào hoạt động.
Ông Huyn Dong Hoon - Giám đốc Trung tâm Viện nghiên cứu Trung hoà Carbon, Trường Đại học kỹ thuật Hàn Quốc cho biết: "Rác thải trong cụm công nghiệp sẽ được thu gom, tái chế, tạo nhiệt và điện, cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất. Nước thải cũng được xử lý khép kín để không ảnh hưởng tới môi trường. Đặc biệt, chúng tôi sử dụng vỏ trấu, tạo nên nguyên liệu sản xuất cao su như lốp xe, đế giày... cung cấp cho các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp để phục vụ sản xuất".
Phát triển khu, cụm công nghiệp xanh để hút dòng vốn chất lượng. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, năm vừa qua, tỉnh thu hút được hơn 3,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trên 65 % đầu tư vào các khu công nghiệp. Vì vậy, việc phát triển mô hình khu công nghiệp đơn thuần sang mô hình khu công nghiệp xanh là định hướng quan trọng để đón dòng vốn chất lượng. Địa phương đã chuẩn bị quỹ đất gần 1.800 ha, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư mới.
Bên cạnh hình thành các khu công nghiệp kiểu mới, tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tiếp tục các giải pháp đầu tư hạ tầng kết nối, giảm chi phí logistics; đề xuất các chính sách phát triển năng lượng tái tạo theo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp trong cụm, khu công nghiệp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.21443935171403202-gnoul-tahc-nov-gnod-tuh-ed-hnax-peihgn-gnoc-muc-uhk-neirt-tahp/et-hnik/nv.vtv