Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu du lịch với các loại hình dã ngoại, cắm trại... kết hợp lưu trú, ăn uống ngày càng phát triển rầm rộ ở khu vực hồ Trị An.
Hơn 50 khu du lịch trên đất lòng hồ Trị An
Chỉ riêng tại hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã có hơn 50 khu du lịch sinh thái tự phát trên đất nông nghiệp, đất bán ngập lòng hồ Trị An.
Với diện tích hơn 32.000 hecta, khi nước hồ rút xuống sẽ hình thành các bãi đất bán ngập rộng, kéo dài nhiều cây số.
Ngoài ra, vẻ hoang sơ cùng nhiều món đặc sản của địa phương là điểm nhấn lý tưởng để các "tín đồ" du lịch bụi tìm đến vui chơi, giải trí.
Ông Nguyễn Quang Phương, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết lòng hồ Trị An có hai chức năng: phát điện và cung cấp nước ngọt cho các tỉnh miền Đông, trong đó khoảng 70% nhu cầu của TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương với trên 10 triệu người.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, nên không chỉ Đồng Nai mà cả miền Đông phải giữ gìn nguồn nước cho khu vực. Mọi hoạt động gây ô nhiễm môi trường phải hạn chế.
Do đó, chính quyền địa phương phải thực hiện theo quy định pháp luật và đảm bảo nguồn nước. "Nếu làm không đảm bảo, về lâu dài, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người", ông Phương nói.
Đặc biệt, cần phải đảm bảo an toàn cho đập Trị An. Vì vậy, mọi hoạt động trên hồ phải được sự quản lý của Nhà nước mới đảm bảo được an ninh chính trị, cũng như trật tự an toàn xã hội.
Khai thác du lịch căn cơ trên đất hồ Trị An?
Trong khi đó, theo một số chủ cơ sở du lịch ven hồ Trị An, du lịch sinh thái là thế mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. Ngoài việc giải quyết việc làm, các cơ sở du lịch còn góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương.
Do đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các cơ sở tồn tại, nhất là phải có cơ chế, chính sách cụ thể để người dân làm theo, tránh trường hợp "tự mò" dẫn đến sai phạm.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho biết sau nhiều lần sửa đổi, tới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập hội đồng thông qua đề án và trình ủy ban tỉnh ký trong quý 2.
Trong đề án du lịch của khu bảo tồn có các khu đất ven hồ, các đảo trên hồ là các điểm có tiềm năng phát triển du lịch, mời gọi nhà đầu tư vào đầu tư phát triển du lịch.
Sau khi đề án được thông qua, khu bảo tồn sẽ mời gọi các nhà đầu tư đến xây dựng dự án du lịch tại hồ Trị An. Đơn vị được chọn sẽ đứng ra phối hợp người dân địa phương làm du lịch theo đề án được duyệt.
"Chủ trương của tỉnh là làm du lịch tầm cỡ, khai thác tầm cỡ, giá trị lớn, chứ làm manh mún như hiện nay rất khó phát triển lớn", ông Hảo chia sẻ.
Hai thanh niên rủ nhau ra lòng hồ Trị An, đoạn gần chân cầu Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) tắm đã không may bị đuối nước.