Ngày 17-4, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã có mặt tại tháp Trầm Hương bên biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - nơi vừa xảy ra tai nạn khiến một nữ du khách bị té chết khi chụp ảnh - để quan sát những vấn đề mà bạn đọc báo đã phản ánh, lo ngại nguy hiểm.
Lo ngại nguy hiểm tại tháp Trầm Hương là đúng thực tế
Bạn đọc Yêu Biển nêu: Ai đã đến tháp Trầm Hương TP Nha Trang sẽ thấy được nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Đoạn trên sàn tháp có mấy chỗ họ thiết kế xẻ rãnh khoảng cách giữa các bước đi rộng và sâu, chỉ cần bước lệch chân hay không chú ý là sẽ lọt bàn chân xuống cái rãnh. Nhẹ thì ngã hoặc nguy cơ gãy chân rất cao, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em và người cao tuổi.
Vẫn theo bạn đọc nêu trên, "không hiểu sao, nơi mỗi ngày có hàng nghìn lượt người qua lại vãng cảnh chụp hình, họ lại thiết kế xây dựng mặt sàn nguy hiểm như thế".
Một bạn đọc khác (Hung Le) cũng cho rằng "đoạn trên tòa tháp thiết kế rãnh bậc thang dễ bị hụt chân, sao không làm đường thẳng đi an toàn?".
Một người nữa nêu ý kiến: "Bậc thang hơi cao đối với người lớn tuổi nên tôi đi một lần thấy mỏi, đau chân và lần sau chỉ đi đường bên lề và nhìn lên không dám đi nữa".
Những phản ánh nêu trên của bạn đọc đều đúng thực tế và lo ngại nguy hiểm của họ là có cơ sở, nhất là đối với trẻ em, người cao tuổi hay ngay cả với phụ nữ đi lại mang giày, guốc cao gót mà sơ ý khi bước chân trên các lối đi đó.
Ngay tại tháp Trầm Hương, một người đàn ông trung niên thường xuyên đi bộ qua tháp này cũng nói "lối đi lại mà đặt các bệ đá kiểu như thế này là bất tiện, khó đi".
Video: Nữ du khách té từ độ cao năm bậc thang đá chết tại chỗ khi chụp hình ở tháp Trầm Hương
Theo quan sát của phóng viên, các lối lên xuống tháp Trầm Hương, từ đường hay quảng trường 2-4, đều khá cao, gồm nhiều bậc thang có bề mặt lát bằng đá trơn, láng mặt. Vì mỗi bậc thang chỉ bề rộng vừa phải, nên lối lên xuống có phần dốc đứng hơn. Thế nhưng các lối lên xuống đó đều không có lan can tay vịn giúp cho người lớn tuổi hay trẻ nhỏ an toàn và an tâm hơn.
Còn khu vực sân tháp Trầm Hương, phía giáp quảng trường 2-4, được thiết kế làm sân khấu biểu diễn. Cả khu vực sân khấu rộng và các khu vực để đặt nhạc cụ biểu diễn ở hai bên đều được lát gạch khá láng và trơn. Đó cũng là các nơi người dân, du khách thường đi lại.
Các lối đi nối với sân khấu và các khu đặt nhạc cụ đó cũng đều thiết kế theo kiểu các bục có bề mặt đá trơn, có khoảng cách rộng và sâu như bạn đọc đã phản ánh.
Sẽ sửa lại lối đi tại tháp Trầm Hương
Sau khi quan sát thực tế, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã chuyển các ý kiến kể trên của bạn đọc đến lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa và giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh để nhờ kiểm tra, xem xét.
Chiều 17-4, ông Nguyễn Thanh Hà - chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa - đã có phản hồi. Ông Hà cho biết ông đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hải - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Yến Sào Khánh Hòa, đơn vị chủ đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo tháp Trầm Hương - để khắc phục những hạn chế, lo ngại mà bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã phản ánh.
Cụ thể, theo ông Hà, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Yến Sào Khánh Hòa đã thống nhất sẽ cho thực hiện ngay việc sửa lại các lối đi, không để còn rãnh sâu giữa các bậc đá cao. Cách khắc phục là nâng thêm mặt cỏ lên hoặc hạ thấp bậc đá xuống. Đồng thời sẽ xem xét xử lý khả năng trơn trượt của các bậc thang, sân khấu như đã nêu.
Chiều tối 17-4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu cũng cho biết sẽ có ý kiến, đề nghị các đơn vị sớm xem xét, khắc phục những vấn đề mà người dân đã phản ánh, lo ngại tại tháp Trầm Hương.
Dưới đây là những hình ảnh tại tháp Trầm Hương chiều 17-4-2023:
Một nữ du khách đứng chụp hình gần bậc lên xuống khu tháp Trầm Hương bên biển Nha Trang (Khánh Hòa) bị té xuống sân quảng trường 2-4, tử vong tại chỗ.