Theo tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation (New Delhi), tốc độ tăng trưởng kinh tế nhất quán của Trung Quốc - được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư vốn trên diện rộng và lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh - đã khiến nước này trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh đã tìm được một đối tác thương mại đáng tin cậy cho các mặt hàng năng lượng như dầu mỏ, khí đốt và than đá. Đó chính là Nga.
Cuộc chiến Ukraine, cùng các biện pháp trừng phạt sau đó từ phương Tây cũng góp phần thúc đẩy các lợi ích của Nga hướng về phía Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự tương hỗ và các vấn đề an ninh xoay quanh mối quan hệ Nga-Trung đã được giới chuyên gia đưa ra xem xét và thảo luận trong những năm gần đây.
Cho vay đổi lấy dầu
Sau năm 1992, Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu ròng đối với dầu mỏ. Năm 2021, nước này tiêu thụ trung bình 14,13 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiều hơn 14% so với mức dự đoán 9,5 triệu thùng do Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra năm 2015.
Các giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2002-2003 và 2007-2009 càng đẩy nhanh nhu cầu dầu của Trung Quốc.
Để khắc phục các lỗ hổng kinh tế và lỗ hổng chiến lược ngày càng trầm trọng do mức nhập khẩu gia tăng, Bắc Kinh đã nghĩ ra chính sách “cho vay đổi lấy dầu mỏ” và đầu tư vốn cổ phần (kèm theo lựa chọn cho phép bên khác mua lại cổ phần để đổi lấy dầu nhập khẩu) nhằm tạo ra các chuỗi cung ứng năng lượng đa dạng và linh hoạt.
Kỷ nguyên hợp tác chiến lược giữa các công ty năng lượng nhà nước của Nga và các công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc, đặc biệt là giữa Rosneft và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), đã bắt đầu vào năm 2004 sau “vụ Yukos”.
Yukos, một trong những nhà cung cấp dầu khí tư nhân lớn nhất của Nga, đã phá sản sau các cáo buộc gian luận thuế. Sau vụ việc, Yuganskneftegaz (công ty con của Yukos) được giao cho một công ty Nga có 100% vốn nhà nước quản lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng Nga Viktor Khristenko khi đó tuyên bố, “tối đa 20% cổ phần của Yuganskneftegaz sẽ được chào bán cho CNPC”.
Về sau, CNPC đã tạo điều kiện thuận lợi cho Rosneft mua lại Yuganskneftegaz bằng cách bán lại cho doanh nghiệp này số cổ phần mà họ kiểm soát. Đổi lại, Trung Quốc kiếm được nguồn cung dầu ổn định, với sản lượng cung cấp hàng năm lên tới 49 triệu tấn.
Bản tính toán sơ bộ các khoản đầu tư vào Nga từ năm 2005-2021 cho thấy các công ty nhà nước Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền đáng kinh ngạc, lên tới 95 tỷ USD, vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, đồng thời đầu tư 48 tỷ USD để mua cổ phần trong các công ty dầu khí nhà nước Nga.
Những khoản đầu tư tài chính từ Trung Quốc đã góp phần xây dựng và phân bổ lại các tài sản quan trọng đối với nền kinh tế năng lượng của Nga, giúp Moscow củng cố chính sách “Xoay trục sang châu Á”.
Quyết tâm của cả hai phía chính phủ, nguồn tài chính khổng lồ của Bắc Kinh, chính sách “Hướng Đông” của Nga, lệnh trừng phạt sau năm 2014 và sự cô lập của Mỹ-châu Âu đối với Nga sau đó đã củng cố mối quan hệ đối tác giữa Moscow và Bắc Kinh.
Cổng vào phương Đông mở toang
Dự án Đường ống Siberia Thái Bình Dương (ESPO) rất quan trọng đối với quá trình vận chuyển dầu giữa hai quốc gia Nga-Trung Quốc, làm nổi bật chính sách “cho vay đổi lấy dầu” của Bắc Kinh.
ESPO đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi thỏa thuận thương mại trị giá 25 tỷ USD này là “Cổng vào phương Đông”.
CNPC đã tài trợ cho ESPO để đổi lấy việc Nga cung cấp 15 triệu tấn dầu hàng năm cho Trung Quốc, thời hạn kéo dài tới năm 2030. Rosneft và Transneft đã đồng ý cung cấp lần lượt 0,18 triệu thùng dầu và 0,12 triệu thùng dầu mỗi ngày cho Bắc Kinh.
Theo yêu cầu của CNPC, ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đã tạo điều kiện cho các công ty năng lượng của Nga vay tiền. Tuy nhiên, CDB có quyền khấu trừ tiền trực tiếp từ tài khoản của các công ty trên để đảm bảo trả nợ đúng hạn. Nếu xảy ra trường hợp vỡ nợ, CDB có thể rút toàn bộ tiền từ các tài khoản.
Trục năng lượng thông qua ESPO cũng cho phép "phi đô la hóa" thương mại song phương Nga-Trung, khi Bắc Kinh đồng ý thanh toán bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ từ tháng 9/2022.
Câu hỏi đáng giá hàng triệu USD
Quan hệ song phương Nga-Trung đã vượt ra ngoài lĩnh vực giao dịch và thương mại.
Khi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây vào năm 2014 bắt đầu gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga thì Moscow và Bắc Kinh đã tiến tới một số thỏa thuận nhằm giảm bớt tác động tiêu cực từ tình hình chung.
Trong lĩnh vực tài chính, để tránh các lệnh trừng phạt, một số ngân hàng Trung Quốc đã tạo điều kiện viện trợ cho Nga thông qua CDB, Quỹ Con đường tơ lụa (SRF). Một trường hợp điển hình là khoản hỗ trợ tài chính của SRF dành cho Novatek vào tháng 12/2015.
Mức độ liên kết ngày càng tăng trong lĩnh vực năng lượng đã khiến cho mối quan hệ Nga-Trung bước vào giai đoạn thân thiết nhất trong lịch sử hai nước.
Trung Quốc đang tài trợ cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong khuôn khổ toàn bộ nền kinh tế năng lượng toàn cầu để tạo ra chuỗi cung ứng bền vững cho chính nước này.
Tuy nhiên, Observer Research Foundation nhận định, giữa bối cảnh quá trình chuyển đổi năng lượng và xu hướng khử carbon trong lưới điện ngày càng trở nên phổ biến, tình bạn được xây dựng trên cơ sở nhiên liệu hóa thạch này sẽ duy trì được bao lâu? Đó là câu hỏi đáng giá hàng triệu USD.