Trong khi lạm phát ở khu vực vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương, các chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn vẫn đang được xem xét. Nguyên nhân của việc này tới từ đồng USD đã yếu hơn khi kỳ vọng FED sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Lạm phát ở châu Á – Thái Bình Dương cũng nhẹ hơn so với những gì xảy ra ở Mỹ và châu Âu.
Thực tế, các nhà kinh tế cho rằng một số ngân hàng trung ương có thể đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang việc kích thích tăng trưởng thông qua giảm lãi suất. Citi và ING nằm trong số những định chế tài chính tin rằng việc “quay xe” trong chính sách lãi suất sẽ xảy ra ở nhiều quốc gia vào nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản là những quốc gia nằm ngoài chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu.
Hàn Quốc
Lãi suất: 3,5%
CPI: +4,2% so với cùng kỳ trong tháng 3
Mục tiêu lạm phát: 2%
GDP (Q4/2022): +1,3% theo năm, -0,4% theo quý.
Quyết định tiếp theo: Ngày 25/5.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc là cơ quan đầu tiên tuyên bố tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất, thậm chí còn có thể trở thành ngân hàng đầu tiên trong khu vực giảm lãi. Tuy nhiên, Thống đốc Rhee Chang-yong gần đây đã nói rằng họ khó có khả năng tiến hành giảm lãi trong nửa cuối năm 2025, ngay cả khi 2 lần không tăng lãi suất sau 7 lần tăng liên tiếp năm 2022.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế tại Citi và ING vẫn nằm trong số những người kỳ vọng BOK sẽ sớm giảm lãi suất, nhất là khi lạm phát quay trở lại mức mục tiêu cũng như những thiệt hại mà chu kỳ thắt chặt lãi suất đã gây ra cho nền kinh tế.
“BOK có thể bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất vào ngày 23/8 để đưa lãi xuống còn 2% vào năm 2024”, Choi Ji-uk của Citi cho biết.
Australia
Lãi suất: 3,6%
CPI: +7,8% theo năm trong quý 4/2022
Mục tiêu lạm phát: 2-3%
GDP (Q4/2022): +2,7% theo năm, 0,5% theo quý.
Quyết định tiếp theo: 2/5
Ngân hàng Trung ương Australia đã ngừng tăng lãi suất trong kỳ họp chính sách tháng 3, đánh dấu lần đầu tiên cơ quan này không tăng lãi suất kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 5/2022. Tỷ lệ tiền mặt của ngân hàng ngày đang ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2012.
Tương tự như BOK, Ngân hàng Trung ương Australia cũng không nói rằng họ sẽ dừng tăng lãi suất. Thậm chí, họ còn để ngỏ khả năng có thể phải thắt chặt lãi suất hơn nữa để đảm bảo lạm phát có thể trở lại mức mục tiêu.
Tuy nhiên, Nhà kinh tế Diana Mousina của AMP nói rằng các dữ liệu sẽ cho thấy xu hướng giảm trong những tháng tới và việc tăng lãi suất hơn nữa là “không hợp lý”.
Ấn Độ
Lãi suất: 6,5%
CPI: +5,66% so với cùng kỳ trong tháng 3.
Mục tiêu lạm phát: Khoảng 4%
GDP (Q4/2022): Tăng 4,4$% theo năm, tăng 3,5% theo quý.
Quyết định tiếp theo: Từ ngày 6-8/6.
Trong cuộc họp chính sách gần nhất vào tháng 4, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã giữ lãi suất ở mức 6,5% bất chấp kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế cho rằng cơ quan này sẽ tăng lãi 0,25%. Thống đốc ngân hàng trung ương Shaktikanta Das cho biết ông hy vọng lạm phát sẽ giảm trong 12 tháng tới. Cùng với đó là việc Ngân hàng Trung ương hạ dự báo lạm phát từ 5,3% xuống 5,2% cho năm tài khóa bắt đầu vào tháng 4.
Các nhà kinh tế tại JPMorgan và Societe Generale nằm trong số những người tin rằng RBI sẽ cắt giảm lãi suất 0,25% xuống 6,25% trong quý 4/2023 và một đợt cắt giảm khác vào tháng 1/2024 sẽ đưa lãi suất về 6%.
Các nước khác
Ở Đông Nam Á, các ngân hàng trung ương ở Indonesia và Malaysia hiện đã tạm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, cũng có các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi, trong đó có Thái Lan và New Zealand.
Cụ thể, hồi đầu tháng, Ngân hàng Trương ương New Zealand đã gây bất ngờ cho thị trường khi tăng lãi suất 50 điểm cơ bản lên 5,25%. Quốc gia này vẫn đang phải vật lộn với lạm phát 7,2%. Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo dự kiến diễn ra vào 24/5.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3, nâng lãi lên 1,75%. Cuộc họp tiếp theo được tiến hành vào 31/5.
Tham khảo: CNBC