Mới đây, chuyên trang quân sự Trung Quốc (TQ) East Pendulum cho công bố hai hình ảnh lấy từ nhà máy đóng tàu Giang Nam, được cho là phác họa thiết kế của tàu sân bay thế hệ mới Type 004 mà TQ đang phát triển bên cạnh tàu sân bay Phúc Kiến vừa mới hạ thủy hồi tháng 6 năm ngoái.
Ảnh được cho phác hoạt thiết kế của tàu Type 004 chạy năng lượng hạt nhân của Trung Quốc. Ảnh: East Pendulum |
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc
East Pendulum cho rằng các chi tiết về tàu Type 004 còn hạn chế. Các hình ảnh cho thấy nó cũng có một số điểm tương đồng bên ngoài với tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ford của Mỹ và tàu sân bay thế hệ mới chạy năng lượng hạt nhân mà Pháp cũng đang phát triển.
Việc sử dụng hạt nhân sẽ khiến tàu mới của TQ có tầm hoạt động gần như không bị giới hạn, bên cạnh việc cung cấp lượng điện cần thiết cho các hệ thống vũ khí, cảm biến thế hệ mới.
|
Ngoài ra, Type 004 trong hình cũng có thể được trang bị hệ thống hỗ trợ cất cánh và hạ cánh CATOBAR giống như tàu Phúc Kiến. Đây là hệ thống mới thường được trang bị cho các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, giúp tàu sân bay hỗ trợ được nhiều máy bay chiến đấu cất cánh cùng lúc.
Các máy bay này cũng có thể mang tải trọng lớn hơn, tức trang bị vũ khí tối tân hơn và nhiều nhiên liệu hơn. Một trong những máy bay được TQ thiết kế dành riêng cho hệ thống này là máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên tàu sân bay KJ-600 dự kiến sẽ đưa vào biên chế năm 2024.
Hai tàu sân bay đang trong biên chế của TQ là Sơn Đông và Liêu Ninh chỉ mới được trang bị hệ thống hỗ trợ STOBAR chỉ có thể hỗ trợ các máy bay chiến đấu hạng nhẹ.
Nhận rõ tham vọng của Trung Quốc
Theo East Pendulum, hiện chưa thể xác định hai hình ảnh mới cho thấy việc phát triển tàu Type 004 của TQ đã tới đâu. Tuy nhiên, điều rõ ràng ở đây là TQ có tham vọng mở rộng quy mô lực lượng tàu sân bay của mình với các tàu ngày càng có năng lực tác chiến cao hơn như Type 004 hay chiếc Phúc Kiến mới đây.
Tuy nhiên, hiện tại công nghệ chế tạo động cơ dùng năng lượng hạt nhân của TQ vẫn còn kém xa Mỹ.
Chẳng hạn, lò phản ứng hạt nhân module nhỏ Linglong One của TQ, được coi là lò phản ứng tiên tiến nhất của nước này, cần được tiếp nhiên liệu hai hoặc ba năm một lần, so với lò phản ứng trên tàu sân bay lớp Ford có thể hoạt động liên tục trong gần 50 năm, theo tờ South China Morning Post.
Giới chuyên gia lưu ý việc phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân không thể vội vàng vì các lý do an toàn và khoa học.
Tuy nhiên, trong trường hợp nổ ra xung đột Đài Loan, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của TQ có thể giảm nhu cầu ngừng hoạt động và tiếp tế, tăng tỉ lệ xuất kích của máy bay chiến đấu và tăng cường khả năng phong tỏa Đài Loan bằng cách duy trì sự hiện diện lâu dài trên biển.
Do tầm quan trọng chiến lược của các tàu sân bay như vậy, TQ nhiều khả năng sẽ đặt mục tiêu đưa vào biên chế sáu tàu sân bay, chia đều cho ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương hồi tháng 4 năm 2018. Ảnh: PLA |
Việc phân bổ như vậy sẽ đảm bảo hải quân TQ luôn có ít nhất hai tàu sân bay hoạt động, trong khi các tàu khác được bảo dưỡng và tái trang bị.
Việc xây dựng một lực lượng hải quân như vậy được đánh giá là phù hợp với tốc độ TQ. Tính đến năm ngoái, hải quân TQ là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với 340 tàu; so với 280 tàu của hải quân Mỹ.
TQ cũng có 13 nhà máy đóng tàu hải quân, mỗi cơ sở có công suất lớn hơn cả 7 nhà máy đóng tàu hải quân của Mỹ cộng lại, theo báo cáo đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Việc TQ dẫn đầu ngành đóng tàu quy mô lớn so với Mỹ một phần có thể là do chiến lược kết hợp dân sự - quân sự của nước này. Theo đó, nước này cho đóng đồng thời tàu chiến và tàu dân sự trong cùng một nhà máy để đảm bảo rằng ngành đóng tàu của nước này hoạt động hết công suất bất chấp suy thoái kinh tế.
Chiến lược hợp nhất cũng áp dụng các kỹ thuật sản xuất hàng loạt dân sự và công nghệ tiên tiến vào việc đóng tàu hải quân, cho phép nước này duy trì khả năng sản xuất đáng kể và cũng tránh được các biện pháp trừng phạt nhắm vào chương trình hiện đại hóa quân sự của TQ.
Hơn nữa, TQ hồi tháng 2 được cho là bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép nước này thiết kế hệ thống điện của tàu chiến trong một ngày. Nhiệm vụ này thông thường sẽ tốn các nhà thiết kế sử dụng các công cụ máy tính tiên tiến nhất gần 300 ngày để hoàn thành.
Tuy nhiên, để xây dựng một lực lượng hải quân hiệu quả với sáu tàu sân bay thì việc đóng tàu là một chuyện, vấn đề mà TQ cần giải quyết là nhân lực. Nước này phải tìm đủ số người đảm nhận các vị trí trên tàu như thuỷ thủ, phi công và lính thuỷ đánh bộ chuyên nghiệp.
Chuyên gia Edward Luttwak thuộc Viện Hoovers (Mỹ) mới đây có bài viết chỉ ra quân đội TQ lúc này đang thiếu nhân lực trầm trọng, với quân số hải quân chỉ vào khoảng 260.000 người. Để so sánh, quân số hải quân Mỹ năm ngoái vào khoảng 350.000 người.
Bên cạnh đó, do tính chất của hải quân và không quân cần sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao, TQ sẽ phải không chỉ tìm đủ người mà những binh sĩ tiềm năng cần phải đạt trình độ nhất định.
Điều này hiện rất khó bởi người trẻ TQ có năng lực hầu như không chọn nhập ngũ do lương thấp đi kèm với tính kỷ luật của môi trường quân đội.