Apple sẽ sớm khai trương thêm cửa hàng tiếp theo ở Thủ đô Delhi vào ngày 20/4 tới. Tuy nhiên, thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ đang bị thống trị bởi Samsung hay các thương hiệu tới từ Trung Quốc. Giá thành từ thấp đến trung bình, đa dạng phân khúc là những lợi thế mà các sản phẩm Apple không có. Liệu Táo khuyết đã chậm chân hay họ có tính toán kỹ lưỡng cho chiến lược này?
"Cơn mưa" mĩ từ
“Ấn Độ là một nền văn hóa đẹp và nắm giữ một nguồn năng lượng đáng kinh ngạc. Chúng tôi rất hào hứng khi được xây dựng tiếp sự hiện diện của mình tại Ấn Độ sau một lịch sử hoạt động lâu dài”, CEO Apple Tim Cook nói trong tuyên bố 17/4, một ngày trước khi khai trương cửa hàng đầu tiên.
Trong bức ảnh được công bố, Tim Cook đã chụp hình cùng các nhân viên của cửa hàng. Gã khổng lồ xứ Cupertino cho biết họ đã có mặt tại Ấn Độ hơn 25 năm nay.
Việc mở cửa hàng đánh dấu những nỗ lực tiếp theo của Apple trong việc thúc đẩy doanh số iPhone ở thị trường Ấn Độ - nơi vừa vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh. Các nhà phân tích cho biết chiến lược của Apple ở Ấn Độ đang có những điểm tương đồng với cách họ tiếp cận thị trường Trung Quốc, nơi đã trở thành con gà đẻ trứng vàng của Táo khuyết.
Apple nói rằng cửa hàng của họ ở Mumbai là một trong những địa điểm “tiết kiệm năng lượng” nhất trên thế giới. Cửa hàng này có hệ thống năng lượng mặt trời chuyên dụng và không cần phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để phục vụ hoạt động. Nó chạy 100% bằng năng lượng tái tạo.
Sự hiện đại của cửa hàng một lần nữa cho thấy Ấn Độ là thị trường trọng điểm như thế nào của Apple. Hồi tháng 2, Cook nói rằng ông rất lạc quan với tiềm năng ở nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Cook đã đích thân tới Ấn Độ để khai trương cửa hàng. Lần gần nhất ông tới đây trên cương vị CEO của Apple là vào 7 năm trước.
Cuộc đua giành lại miếng bánh thị phần
Trên thực tế, thị phần của Apple ở Ấn Độ là rất nhỏ. Tuy nhiên, nhiều công ty phân tích cho rằng Ấn Độ đang trải qua quá trình “cao cấp hóa thị trường” và đó sẽ là cơ hội tuyệt vời cho Táo khuyết. Neil Shah, đối tác tại Counterpoint Research, cho biết điện thoại thông minh có giá trên 400 USD hiện đang chiếm hơn 10% tổng số lượng thiết bị cầm tay được xuất xưởng, cao hơn nhiều so với con số 4% trước dịch. Trong khi đó, chúng chiếm tới 35% tổng doanh thu thị trường điện thoại thông minh.
Thực tế, Ấn Độ có tầng lớp trung lưu đang phình to nhanh chóng. Dân số quốc gia này cũng trẻ và đang ưu tiên hàng đầu cho di động. Điều đó khiến họ sẵn sàng chi tiền cho điện thoại, đặc biệt là ở Mumbai và Delhi, hai trong số những thành phố giàu có nhất của quốc gia tỷ dân. Đó cũng chính xác là nơi Apple đặt cửa hàng mới.
Apple xuất xưởng khoảng 6,5 triệu chiếc iPhone ở Ấn Độ vào năm 2022 so với khoảng 50 triệu chiếc mỗi năm ở cả Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, cách biệt này có lẽ sẽ sớm được rút ngắn với chiến lược mới của Táo khuyết. Apple đã đạt doanh thu 6 tỷ USD ở Ấn Độ trong năm kết thúc vào tháng 3 và con số này có thể tăng hơn nữa trong 2 năm tới.
“Apple hiện đang đề cao thị trường Ấn Độ, cả về mở rộng sản xuất lẫn bán lẻ. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là nước cờ chiến lược, giúp Táo khuyết đạt doanh thu hàng năm lên 20 tỷ USD vào năm 2025 ở Ấn Độ”, Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, cho biết.
Tuy nhiên, câu chuyện có lẽ sẽ không dừng lại ở những chiếc iPhone. Chiến lược của Apple là khiến người dùng “nghiện” hệ sinh thái mà họ cung cấp, từ đồng hồ, máy tính cho tới các dịch vụ trực tuyến có trả phí. Số người dùng iPhone ngày càng tăng chính là cơ sở để thổi bùng doanh thu tại thị trường tỷ dân.
Tầm nhìn xa tới tương lai
Đối với Apple, Ấn Độ không chỉ là một thị trường hấp dẫn mà còn là phần quan trọng trong chiến lược sản xuất của họ trong tương lai. Apple đã bắt đầu lắp ráp iPhone 14 ở quốc gia này trong năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên Apple sản xuất dòng sản phẩm mới nhất ở Ấn Độ. Ông Piyush Goyal, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho biết Táo khuyết có dự định sản xuất 25% tổng số iPhone của họ tại Ấn Độ.
Một phần của động thái này tới từ việc Ấn Độ cũng đang rất nỗ lực để thu hút sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, phần khác tới từ việc Apple muốn đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc. Hàng loạt các vấn đề liên quan tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khiến nhà sản xuất iPhone nhận thấy họ cần có giải pháp của riêng mình.
Tham khảo: CNBC