Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, các nhóm thủy sản chủ lực như cá tra, tôm, cá ngừ giảm 30-37%; cua ghẹ và các loại hải sản khác là 2-42%.
Trong số thị trường xuất khẩu chính, Mỹ ghi nhận mức sụt nhiều nhất, trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 284 triệu USD. Tiếp đến là Australia với 65 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ 2022.
Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng thủy sản Việt sang thị trường này chỉ đạt 279 triệu USD, thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cũng lần lượt giảm nhập 7-17%. Đây là con số đáng báo động với ngành thủy sản khi các thị trường chính đồng loạt giảm sâu dù doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất và tiết giảm chi phí.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành này đang đối diện với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng, cầu giảm tác động xấu đến sản xuất trong nước. Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm 20-50%, tồn kho tăng. Kéo theo đó, sản xuất nguyên liệu thủy sản trong nước bị chững lại, ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến.
Hiện, chi phí sản xuất, vật tư, nhân công tăng cao nên hàng Việt đang chịu áp lực cạnh tranh về giá so với các đối thủ Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp khó khi Ủy ban châu Âu (EU) chưa tháo gỡ thẻ vàng thủy sản (IUU).
Trước diễn biến này, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục khó khăn và hồi phục từ quý III nếu có các chính sách hỗ trợ về miễn giảm nộp thuế, gia hạn nợ hoặc giảm lãi vay.
Tuần trước, Chính phủ lần thứ 5 gia hạn nộp thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm nay để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Nhà chức trách cũng đồng ý phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) về 8%, và giao Bộ Tài chính chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Hồng Châu