Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu lao động tại nhiều thị trường tăng mạnh nên nhiều công ty trong nước đẩy mạnh đào tạo và xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với Việt Nam là giảm dần xuất khẩu lao động giản đơn, tiến dần đến xuất khẩu lao động chất lượng cao, xuất khẩu chuyên gia.
Doanh nghiệp bất ngờ với nhu cầu của nước ngoài
Ông Nguyễn Xuân Lanh - phó tổng giám đốc ESUHAI, đơn vị chuyên về đào tạo, cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản - cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động đi Nhật Bản tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Chỉ trong thời điểm đầu năm 2023 đơn vị này đã nhận được đặt hàng từ các công ty Nhật với số lượng tuyển dụng là 2.400 lao động thuộc các ngành nghề khác nhau. "Nhu cầu tuyển dụng đi Nhật trước nay vẫn khá cao với khoảng 5.000 vị trí, trải đều vào các tháng trong năm. Nhưng chỉ riêng ba tháng đầu năm 2023 đã có 2.400 đặt hàng", ông Lanh cho biết.
Theo đó, nhu cầu tuyển dụng đang cao nhất ở nhóm thực phẩm, chế biến thực phẩm, tiếp đó là nhu cầu tuyển dụng ở các ngành cơ khí, chế tạo, cắt, gọt kim loại và các ngành liên quan đến ô tô cũng đang tăng lên. Đặc biệt gần đây có thêm các đặt hàng tuyển dụng lĩnh vực chăm sóc y tế.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Việt Nam hiện có gần 500 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong tháng 3 vừa qua đã đưa tổng số 9.494 người (trong đó có 3.420 lao động nữ) ra nước ngoài làm việc, gấp 8,66 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung ba tháng đầu năm 2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 người (trong đó 12.872 nữ), đạt 34,48% kế hoạch năm 2023 và gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ 2022. Trong đó, số lao động này tập trung chủ yếu ở Nhật Bản 17.696 người, Đài Loan 18.044 người, còn lại là Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Hungary, Romania và các thị trường khác.
Tăng cao vì nhu cầu sau đại dịch COVID-19
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH - cho hay số lao động đi nước ngoài trong ba tháng đầu năm 2023 không bất thường.
Việc tăng cao là do sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu nhân lực tại các nước tiếp nhận lao động gia tăng. Các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, chế biến thủy hải sản, các ngành dịch vụ trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng bệnh viện hoặc gia đình, dịch vụ nhà hàng khách sạn, sân bay... được "săn đón".
Cạnh đó, lao động Việt Nam đã làm việc tại các nơi như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc từ lâu nên được chủ sử dụng lao động đánh giá tích cực về trình độ, tay nghề. Đặc biệt là thái độ cần cù, chịu khó, chăm chỉ và tiếp thu công việc tốt. Cùng với đó, các doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài đã có chuẩn bị sẵn về nguồn lao động thông qua kế hoạch đào tạo, sẵn sàng cung ứng theo yêu cầu của đối tác tiếp nhận.
"Trong năm 2023, thị trường đưa lao động đi làm việc nước ngoài sẽ tập trung ở khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Ước tính khoảng 90% tổng số lao động", ông Liêm nói.
Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các cơ quan để triển khai đàm phán thỏa thuận hợp tác lao động với một số nước châu Âu. Dự kiến, khoảng 110.000 lao động được đưa đi nước ngoài trong năm nay.
Còn ông Doãn Mậu Diệp, chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, cho rằng việc lao động xuất khẩu tăng trong quý 1-2023 đều là số lượng lao động đã được các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn từ trước nhưng do tình hình dịch bệnh nên chưa đi được. Hiện dịch bệnh đã được kiềm chế và nhu cầu về lao động ở các nước đều tăng.
Hướng tới xuất khẩu lao động chất lượng cao
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nêu lao động Việt Nam đang có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và làm việc trong khoảng 30 ngành nghề khác nhau.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nguồn lao động của Việt Nam vẫn còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Hiện vẫn còn một số lượng lớn lao động xuất khẩu là lao động phổ thông.
Do vậy, thời gian tới cần mở rộng thị trường để đưa nhiều người lao động đi xuất khẩu, nhằm giải quyết việc làm, thu nhập. Trong đó, cần tập trung vào thị trường mới ở các nước châu Âu, Canada... và xác định ngành nghề có chất lượng cao cần tập trung hướng tới. Cạnh đó, cần tính đến vấn đề rất quan trọng là tăng chất lượng, đào tạo của người lao động.
Ông Nghĩa cũng chỉ rõ về lâu dài cần giải pháp nâng cao việc đào tạo tay nghề, giảm dần xuất khẩu người lao động làm việc có tính giản đơn, tiến dần đến xuất khẩu lao động có chất lượng cao, kể cả là các chuyên gia người Việt Nam. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng.
"Khi người lao động được chuẩn bị năng lực, kỹ năng tốt rồi đưa sang các nước, làm việc ở các môi trường có chất lượng cao thì sẽ học hỏi được nhanh hơn, nhiều hơn. Chính những người này sau khi hết thời hạn, về nước sẽ trở thành các "máy cái" để ứng dụng, áp dụng công nghệ, kỹ năng. Đó là điều rất tốt", ông Nghĩa nêu thêm.
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động cũng cho rằng hiện nay chúng ta không khuyến khích lao động phổ thông đi làm việc nước ngoài mà khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn để đảm bảo thu nhập, môi trường làm việc. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn nhận lượng lao động phổ thông nhất định để làm việc đơn giản như giúp việc, chăm sóc gia đình...
Vì thiếu nhân lực, các nước có chính sách cởi mở hơn nhưng vẫn đưa ra yêu cầu cho lao động nhập cảnh đó là điều kiện chuyên môn, chứng chỉ nghề, trình độ ngoại ngữ...
Chẳng hạn, Nhật Bản đưa ra chính sách lao động đặc định tức là người lao động phải có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ, nội dung đào tạo tương đối với quy chuẩn nước họ.
Đổi đời nhờ "xuất ngoại" lao động
Từ một xã nghèo thuần nông, cuộc sống người dân nhiều khó khăn, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An có nhiều biệt thự, xe hơi. Nơi đây được gọi với những cái tên như "làng tỉ phú","làng châu Âu" của xứ Nghệ. Tìm về xã Đô Thành chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi con đường rộng thênh thang, ô tô xuất hiện ngày một nhiều, nhà cao tầng mọc lên san sát.
Dẫn chúng tôi ghé thăm một số căn nhà cao tầng đang hoàn thiện, ông Trần Văn Dũng - 63 tuổi, ngụ xóm Bắc Vực, xã Đô Thành - kể những năm 1990 một số người trong xã tìm kiếm tương lai bằng việc "xuất ngoại" đến các nước châu Âu như Anh, Nga, Ba Lan, Đức...
"Người đi trước làm ăn khấm khá, gửi tiền về quê xây nhà cửa, mua xe cộ rồi về đưa gia đình, họ hàng sang sau. Nhiều hộ gia đình thấy vậy cũng vay mượn, đầu tư cho con em đi nước ngoài lao động với mong muốn có thể thoát được cái đói, cái nghèo. Có gia đình có 3, 4 người cùng xuất ngoại", ông Dũng nói.
Gia đình ông Nguyên Đức Hòe từng là một hộ nghèo ở xóm Phú Vinh, xã Đô Thành quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" với gần 1 mẫu ruộng khoán, vợ chồng ông Hòe vất vả nuôi bốn đứa con nên không tích cóp được nhiều.
Thấy người dân xung quanh đi nước ngoài làm ăn ngày một rầm rộ, ông Hòe đã mạnh dạn vay mượn tiền cho ba người con đi xuất khẩu lao động. "Từ tiền xuất khẩu lao động của con gửi về, gia đình tôi trả hết nợ, xây nhà cao tầng cho con và mua được ô tô", ông Hòe hồ hởi nói.
Ông Luyện Xuân Huệ - chủ tịch UBND xã Đô Thành - cho biết toàn xã hiện có 1.500 người đi xuất khẩu lao động ở các nước châu Âu, hơn 1.000 người đi làm việc, buôn bán tại Lào.
Tính trung bình một nhà có ít nhất một người đi xuất khẩu lao động. Xã có hơn 4.000 hộ với gần 18.000 nhân khẩu thì 3/4 trong số đó có nhà cao tầng, biệt thự. "Thanh niên trong xã khi đã tốt nghiệp phổ thông nếu không thi đỗ đại học, sẽ đi học nghề rồi nối bước xuất khẩu lao động", ông Huệ nói.
Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, bình quân mỗi năm có khoảng 13.000 - 14.000 lao động Nghệ An xuất cảnh sang nước ngoài làm việc thông qua con đường xuất khẩu lao động chính ngạch. Thời điểm này, có hơn 65.000 công dân Nghệ An đang lao động tại các nước.
Qua số liệu khảo sát, người lao động "xuất ngoại" có thu nhập trung bình từ 17 - 40 triệu đồng/tháng (tùy từng thị trường và ngành nghề). Trong khi đó, nếu đi làm ngoại tỉnh hoặc ở trong tỉnh thì mức thu nhập đó chỉ trong khoảng 7 - 12 triệu đồng/tháng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nghệ An, lượng kiều hối qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt trung bình khoảng 250 triệu USD/năm. Ngoài ra, còn có số lượng kiều hối rất lớn gửi qua kênh không chính thức.
Hàng năm kiều hối chuyển về tỉnh Nghệ An khoảng 500 triệu USD.
Để có được kết quả đó, theo ông Vi Ngọc Quỳnh - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, hằng năm sở đã chỉ đạo thực hiện thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm thu hút nhiều doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động, học sinh, sinh viên.
"Đa số những người đi xuất khẩu lao động đều tích trữ được khoản kinh phí lớn để mua đất, làm nhà, mua sắm, trang trải cho gia đình. Nhiều người còn có điều kiện, đóng góp thêm cho quê hương xây dựng các thiết chế văn hóa", ông Quỳnh nói.
DOÃN HÒA
* Ông Doãn Mậu Diệp (chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam):
Cần thay đổi chính sách xuất khẩu lao động khi dân số già đi
Thời gian qua, số lượng lao động bổ sung mới của Việt Nam đã có dấu hiệu giảm xuống do xu hướng già hóa dân số, trong khi nhu cầu lao động trong nước bắt đầu tăng lên. Do đó, cần có chính sách điều tiết cho phù hợp, hài hòa giữa nguyện vọng đi xuất khẩu lao động với đảm bảo nhu cầu lao động trong nước.
Trước đây đi xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Nhưng câu chuyện sắp tới là làm sao đi xuất khẩu lao động phải vừa có thu nhập, nâng cấp tay nghề, kỹ năng để sau này trở lại làm việc. Bởi việc đi xuất khẩu lao động chỉ trong vài năm còn cuộc đời lao động còn rất dài.
Nhưng nhiều thực tập sinh, nhất là thanh niên ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An phải trả phí xuất cảnh rất lớn khi sang Nhật Bản, thậm chí có chuyên gia nêu ra con số gần 200 triệu theo một báo cáo.
Xem thêm: mth.87983109091403202-iaogn-taux-aud-ial-teiv-gnod-oal/nv.ertiout