Theo văn bản góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất của Bộ Tư pháp, cơ quan này cho rằng một số quy định của dự thảo còn chung chung, chưa cụ thể. Số khác được đưa ra nhưng cảm tính, chưa có cơ sở, căn cứ khoa học cũng như đánh giá, nghiên cứu, tổng kết để đề xuất.
Do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung, làm rõ cơ sở, căn cứ cho sửa đổi, bổ sung, quy định mới trong dự thảo luật trên.
Vẫn tồn tại 3 loại thu nhập
Ví dụ, dự thảo đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động ở khối doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa xác định vấn đề cần giải quyết, nguyên nhân của vấn đề liên quan.
Phương án 1 là giữ như hiện nay. Còn với phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Các khoản này xác định từ trước khi ký hợp đồng và biến động trong quá trình làm việc.
Thứ hai, Bộ Tư pháp cho rằng báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa tổng kết, đánh giá được những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Cụ thể, theo phản ánh của các địa phương, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và một số văn bản pháp luật đã hướng dẫn chi tiết tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập.
Đầu tiên là thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Hai là thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán. Ba là thu nhập thực tế chi trả cho người lao động.
Trong đó, thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất. Chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng thêm 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 5-7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, dễ nhận thấy là lương hưu.
Bất cập khi thực hiện, không phải do luật
Từ căn cứ trên, Bộ Tư pháp cho rằng bất cập hiện nay là các doanh nghiệp, người sử dụng lao động phân chia tiền lương của người lao động thành các khoản khác nhau để tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng nêu rõ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa phân tích rõ ưu, nhược của mỗi phương án và tác động, ảnh hưởng đến người lao động, doanh nghiệp khi thực hiện. Đồng thời, ban soạn thảo chưa thể hiện được quan điểm, lựa chọn đối với hai phương án nêu trên.
"Qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy, hiện nay, quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương đối đầy đủ", văn bản của bộ này nêu rõ.
Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ, giải trình khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện hành về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định.
Người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước…