Chuối là một trong những mặt hàng mà Nhật Bản, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều nhưng thị phần xuất khẩu chuối của Việt Nam sang thị trường này còn hạn chế - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Theo đó, tại Nhật Bản, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,7%, tại Hàn Quốc là 3,3%. Đây là các mức được đánh giá vô cùng khiêm tốn so với quy mô thị trường.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương - cho rằng, dư địa xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc còn rất lớn, đặc biệt với nhóm hàng dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…
“Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc đã ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương. Có nhiều thuận lợi và lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy xuất nhập khẩu, nhưng xuất khẩu Việt Nam còn hạn chế so với nhu cầu nhập khẩu của 2 thị trường này. Tính riêng mặt hàng chuối, hàng năm Nhật Bản nhập khẩu trên 1 tỉ USD, nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu 6 triệu USD, chiếm thị phần 0,6%. Hay, rau đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chỉ chiếm 1,6%, cà phê chiếm 14,7%, hạt điều chiếm 5,2%, gỗ dưới 5%. Hàn Quốc nhập khẩu nông thủy sản gần 40 tỉ USD, nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 3%, xuất khẩu chuối sang Hàn Quốc là 1,3%...” - ông Đỗ Quốc Hưng dẫn chứng.
Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quốc Hưng, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng có yêu cầu cao đối với hàng nhập khẩu. Chẳng hạn, hàng dệt may phải là các sản phẩm thân thiện môi trường, hàng da giày phải thường xuyên thay đổi thiết kế theo hướng tiện lợi, thoải mái. Với thực phẩm, phải đảm bảo an toàn chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ sẽ có lợi thế…
Các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin về thị trường và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu còn hạn chế. Thời gian qua, nhiều lô hàng vi phạm tiêu chuẩn bị Nhật Bản, Hàn Quốc trả về. Các lô hàng này chủ yếu vi phạm về sử dụng chất phụ gia có thành phần gây hại, hàm lượng vượt mức cho phép hoặc là sản phẩm biến đổi gen…
Nguyễn Cẩm