Mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm ứng phó khủng hoảng
Theo số liệu trên Kinh tế & Đô thị, giá tiêu ngày 19/4 trong khoảng 63.000 - 66.000 đồng/kg. Giá tiêu nội địa và xuất khẩu của Việt Nam ổn định. Thị trường trong nước đang giai đoạn trầm lắng dù đã cuối vụ thu hoạch năm nay. Trong khi giá tiêu các nước biến động nhẹ theo chiều tăng, giảm của đồng USD.
Cụ thể tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 64.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 63.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 63.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 66.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 65.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tiếp tục giữ ổn định ở các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.540 USD/tấn, giảm 0,56%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.002 USD/tấn, giảm 0,55%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.225 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550g/l mức 3.275 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 4.780 USD/tấn. Từ đầu tuần, IPC liên tục hạ giá tiêu xuất khẩu của Indonesia.
Đánh giá về thị trường tuần trước, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho hay, có phản ứng trái chiều, chỉ có giá tiêu đen nội địa Malaysia ghi nhận sự sụt giảm.
Ở khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ tiếp tục ổn định từ giữa tháng 3. Giá tiêu nội địa Sri Lanka tăng trong 2 tuần qua do đồng Rupee Sri Lanka tăng 1% so với USD (319,89 LRK/USD).
Tại Đông Nam Á, giá tiêu giao dịch trong nước và quốc tế của Indonesia tăng trong tuần trước, một phần nhờ vào sự gia tăng 1% của đồng Rupiah Indonesia so với USD (14.823 IDR/USD).
Giá nội địa tiêu đen Malaysia giảm trong tuần trước. Trong khi đó, các loại khác ổn định và không thay đổi. Còn giá tiêu nội địa và xuất khẩu của Việt Nam ổn định và không thay đổi. Thị trường trong nước đang giai đoạn trầm lắng dù đã cuối vụ thu hoạch năm nay.
Ghi nhận sau kết quả xuất khẩu quý 1/2023, ngoài Trung Quốc nhập hàng tăng đột biến, một số thị trường khác ghi nhận xuất khẩu tăng như: Iran tăng 461%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 331,3%; Ai Cập tăng 218,4%; Senegal tăng 148,8%... Trong khi đó, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Anh, Ấn Độ lại giảm.
Nguyên nhân có thể do khủng hoảng kinh tế nên họ hạn chế mua vào. Do vậy có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã rất tích cực khai thác thị trường ngách, những thị trường mới để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia nhập tiêu hàng đầu.
Dự báo xuất khẩu hồ tiêu sẽ sôi động trong quý 2
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt xấp xỉ 35,75 nghìn tấn, trị giá 106,47 triệu USD, tăng 27,6% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với tháng 2/2023; so với tháng 3/2022 tăng 50,6% về lượng, nhưng giảm 4,7% về trị giá.
Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt xấp xỉ 76,2 nghìn tấn, trị giá 233,45 triệu USD, giảm 6,0% về lượng và giảm 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về giá xuất khẩu, tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 2.978 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng 2/2023 và giảm 36,7% so với tháng 3/2022. Tính chung quý 1, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.064 USD/tấn, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Anh trong tháng 3 giảm so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập tăng trưởng từ 3 đến 4 con số.
Tính chung quý 1, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Anh giảm so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập… tăng mạnh.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo, hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ diễn ra sôi động hơn trong quý 2 nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường Trung Quốc, Papua New Guinea, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ..., bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Hoa Kỳ và EU.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản
Theo Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ đã tác động tiêu cực đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành và địa phương, sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ của quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tăng trưởng quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,52%.
Tuy nhiên, tăng trưởng của cả nước và ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; thị trường bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân. Công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đạt được một số kết quả tích cực nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt. Việc thực hiện và giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa đạt yêu cầu, một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.
Thời gian tới, nền kinh tế nước ta và ngành nông nghiệp có thể tiếp tục đối mặt những khó khăn, thách thức, nhất là do những tác động, ảnh hưởng khó kiểm soát từ bên ngoài, theo đó cần tập trung ưu tiên cho 3 động lực tăng trưởng: tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống. Chú ý tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa giá trị, quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện đại; thúc đẩy phát triển hợp tác xã và các mô hình hợp tác trong nông nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giữa Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng yêu cầu tập trung đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Đa dạng hóa sản phẩm nông sản, đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, phụ thuộc mùa vụ và nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản, từ đó triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử; phát triển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ nông sản; chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu;
Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tập trung chỉ đạo có hiệu quả các nội dung trên, tạo đột phá cụ thể ngay trong quý 2 và quý 3 năm 2023.
Trúc Chi (t/h)