Chiêu thức tinh vi
Ngày 19/4, TAND Tp.Đà Nẵng mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt Hồ Văn Trường (SN 1979), Nguyễn Đình Thuần (SN 1972), cùng trú quận Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh, mức án 7 năm tù về tội Buôn lậu.
Theo hồ sơ vụ án, Trường là đối tượng chuyên kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng của nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh.
Khi các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, Trường chuyển hướng nhập khẩu các mặt hàng này từ nước ngoài vào Việt Nam qua Cảng Đà Nẵng, sau đó trung chuyển vào Tp.Hồ Chí Minh và các địa phương để tiêu thụ.
Trong khi đó, Thuần làm nghề sửa chữa điện lạnh và thường mua máy lạnh cũ của Trường nên có mối quan hệ với nhau.
Trường “móc nối” với Nguyễn Quang Dũng là công chức Hải quan tỉnh Quảng Nam và được Dũng nhận lời về việc làm thủ tục nhập khẩu hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng do Trường mua từ nước ngoài về Việt Nam để tiêu thụ.
Trường và Thuần từ Tp.Hồ Chí Minh ra Tp.Đà Nẵng gặp Dũng, trước khi đi Trường dặn Thuần không được gọi tên là Trường mà gọi Trường tên là Đức.
Trường và Thuần nhờ Dũng tìm doanh nghiệp đứng pháp nhân và lo thủ tục Hải quan để nhập hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam, qua cửa khẩu Cảng Đà Nẵng nhưng mở tờ khai Hải quan tại Cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam để trung chuyển đi tiêu thụ.
Trường thỏa thuận, mỗi container nhập về sẽ trả công cho Dũng 40 triệu đồng, còn chi phí nộp thuế, vận chuyển Trường tự chịu.
Thực hiện việc giúp Trường và Thuần nhập hàng lậu, Dũng rủ bạn làm thủ tục thành lập các doanh nghiệp Công ty Hưng Đại Phát và Công ty Gia Đạt để cung cấp thông tin doanh nghiệp cho Thuần và Trường làm thủ tục nhập hàng.
Khi hàng được nhập về Việt Nam, hãng tàu gửi vận đơn và hóa đơn đến hộp thư điện tử của Dũng. Dũng chuyển thông tin cho Đinh Hải Tiến làm thủ tục khai Hải quan và nhận hàng về kho của Công ty F.D.T (Tp.Đà Nẵng).
Tiến gọi điện cho Lê Viết Vương (người của Thuần) báo số lượng container hàng được nhập về để Vương đến nhận.
Với cách thức nhập hàng như trên, từ tháng 6/2017 đến cuối tháng 10/2017, Công ty Hưng Đại Phát đã 10 lần làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu cho 11 container hàng hóa; Công ty Gia Đạt đã 10 lần làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu cho 15 container hàng hóa.
Theo Tiến và Vương khai, tất cả các container hàng do hai Công ty trên nhập khẩu đều được đưa vào kho của Công ty F.D.T để sang hàng.
Trong tờ khai Hải quan thể hiện là hàng máy móc ngành may mới 100% nhưng thực tế bên trong là hàng điện lạnh và điện tử đã qua sử dụng.
Đến tháng 10/2017 sợ bị phát hiện, Dũng bàn với Tiến là ngừng nhập hàng, nên nói với Trường là sẽ không tiếp tục nhập hàng cho Trường nữa.
Trường và Thuần năn nỉ Dũng tiếp tục làm thủ tục nhập khẩu cho 2 container hàng điện lạnh đã qua sử dụng. Trường nói với Dũng là sẽ cho thêm Dũng 20 triệu đồng và trả thêm cho Tiến thêm 1,5 triệu đồng. Dũng và Tiến đồng ý.
Vào ngày 20/11/2017, Dũng nhận được vận đơn báo Công ty Gia Đạt có 2 container lô hàng là máy móc ngành may nhập khẩu.
Bùi Anh Hải (là em họ của Dũng, nhân viên Công ty F.D.T) mở tờ khai điện tử, khai hàng hóa là máy may công nghiệp, máy cắt, máy vắt sổ, dập nút công nghiệp, hàng mới 100%. Tờ khai Hải quan được phân luồng vàng và được làm thủ tục thông quan tại Cảng Tiên Sa, Tp.Đà Nẵng.
Vào lúc 20h10 ngày 22/11/2017 khi các công nhân bốc vác đang thực hiện việc sang hàng thì bị Tổ công tác Phòng phòng chống Ma túy và tội phạm Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng Tp.Đà Nẵng phát hiện số hàng hóa trong các container không đúng với tờ khai, nên lập biên bản tạm giữ lô hàng. Hội đồng định giá tài sản kết luận lô hàng hóa trên giá trị hơn 573 triệu đồng.
Khi biết bị điều tra, Thuần đã bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT Công an Tp.Đà Nẵng truy nã và bị bắt ngày 15/10/2021.
Chối tội nhưng không thành
Quá trình điều tra cũng như tại tòa Thuần khai, được Trường cho biết việc nhập hàng lậu là hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam qua cửa khẩu Cảng Đà Nẵng sau đó trung chuyển vào Tp.Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Thuần không góp vốn để mua hàng, không thỏa thuận ăn chia với Trường, giữa Trường và Thuần thỏa thuận, Thuần là người giúp Trường gặp gỡ trao đổi với Dũng (cán bộ Hải quan) để lo thủ tục Hải quan khi nhập khẩu và liên hệ đơn vị vận chuyển, thuê kho bãi để vận chuyển các container từ Cảng về sau đó chuyển hàng từ container sang các xe tải để đem đi tiêu thụ.
Đổi lại, Thuần sẽ được Trường lo chi phí vé máy bay đi và về từ Tp.Hồ Chí Minh - Tp.Đà Nẵng.
Ngoài ra, khi hàng được nhập về, Trường sẽ cho Thuần được lựa chọn mua các mặt hàng là nồi cơm điện và quạt điện cũ do Trường nhập về với giá rẻ và không phải thanh toán tiền ngay, khi nào Thuần bán xong hàng thì mới thanh toán lại cho Trường.
Quá trình điều tra, mặc dù Trường không khai nhận hành vi phạm tội của mình, tuy nhiên kết quả điều tra và xét xử vụ án buôn lậu đối với các bị cáo khác theo Bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm xác định Trường là người khởi xướng và là chủ mưu của hoạt động phạm tội.
Chính Trường là người liên hệ đặt vấn đề từ trước với Dũng và Thuần về việc tổ chức nhập hàng lậu, từ đó mới phân công Thuần và mua vé cho Thuần từ Tp.Hồ Chí Minh ra Tp.Đà Nẵng để gặp Dũng bàn bạc, trao đổi cách thức thực hiện.
Để che giấu nhân thân của mình, Trường căn dặn Thuần gọi tên mình là Đức. Trường là người gọi, giao nhiệm vụ cho Lê Viết Vương thực hiện việc nhận container, kiểm đếm hàng hóa khi hàng được nhập lậu về dưới pháp nhân 2 công ty nói chung và lô hàng bị Bộ đội biên phòng Tp.Đà Nẵng bắt giữ đêm 22/11/2017 nói riêng.
Điều này, thể hiện qua lời khai của Nguyễn Quang Dũng, Đinh Hải Tiến, Lê Viết Vương, Lý Gia Quỳnh và Nguyễn Đình Thuần các lời khai này phù hợp với các chứng cứ khác.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX nhận định, Trường phạm tội với vai trò chủ mưu, các bị cáo còn lại với vai trò thực hành, giúp sức.