Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Trong số này, 21 người bị cáo buộc phạm tội nhận hối lộ, 23 người đưa hối lộ, 4 người môi giới hối lộ, 4 người lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, 2 người lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
21 quan chức, cán bộ nhận hối lộ hơn 500 lần
Theo cáo trạng, tháng 3.2020, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, Chính phủ tổ chức "chuyến bay giải cứu" đầu tiên đưa 30 công dân từ Vũ Hán (Trung Quốc) về Việt Nam. Tuy nhiên, do nhu cầu được về nước rất lớn, tháng 11.2020, Chính phủ thí điểm rồi cho triển khai các chuyến bay tự nguyện trả phí. Văn phòng Chính phủ cùng tổ công tác gồm 5 bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, GTVT, Quốc phòng) được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện.
Chủ trương hướng đến tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhưng khi vận hành trên thực tế, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ tại các bộ, ngành đã lợi dụng vị trí được giao để nhận tiền, ưu ái cho các doanh nghiệp "đi cửa sau".
Việc nhận hối lộ diễn ra trong thời gian dài, thủ đoạn ngang nhiên, khi 21 bị can có tới hơn 500 lần nhận tiền, tổng cộng gần 165 tỉ đồng. Điển hình là ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng, bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự) nhận hơn 25 tỉ đồng, ông Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) nhận gần 2 tỉ đồng…
Ngoài Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ GTVT đều có cán bộ vướng lao lý. Trong đó, Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó thủ tướng) nhận hối lộ 5 lần với tổng số hơn 4,2 tỉ đồng; Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, có tới 253 lần nhận tiền, với tổng số hơn 42,6 tỉ đồng. Dù không có chức vụ cao nhất nhưng ông Kiên lại là người nhận nhiều tiền hối lộ nhất.
Trong số 21 bị can nhận hối lộ, có tới 18 người, bao gồm các ông Tô Anh Dũng, Nguyễn Quang Linh, Phạm Trung Kiên, bà Nguyễn Thị Hương Lan… cùng bị truy tố theo điểm a khoản 4 điều 354 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Ông Tô Anh Dũng và Nguyễn Quang Linh bị truy tố đến khung tử hình
Sẽ tiếp tục điều tra giai đoạn 2
Theo quy trình, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay cần xin chủ trương cách ly tại địa phương, gửi hồ sơ đến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Lãnh sự lấy ý kiến tổ công tác các bộ, ngành và trình Chính phủ phê duyệt, sau đó thông báo cho doanh nghiệp thực hiện.
Thực tế cho thấy, trong khoảng 100 doanh nghiệp được cấp phép thì chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp triển khai thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước, số còn lại cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép rồi bán quyền tổ chức cho pháp nhân khác.
Để được phê duyệt cách ly cũng như cấp phép chuyến bay, đại diện một số doanh nghiệp đã trực tiếp hoặc qua trung gian chi tiền "bôi trơn" cho các lãnh đạo, cán bộ có thẩm quyền tại các bộ, ngành liên quan. Kết quả điều tra xác định, 23 trong số 54 bị can phạm tội đưa hối lộ, thông qua hơn 400 lần chi tiền để đưa hơn 226 tỉ đồng.
Ngoài 54 bị can đã bị khởi tố, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết vụ án sẽ tiếp tục được điều tra, xử lý ở giai đoạn 2, để làm rõ dấu hiệu vi phạm của một số cá nhân khác có liên quan.
Đường đi của hơn 170 tỉ hối lộ trong vụ 'chuyến bay giải cứu'