Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent đã giảm 1,65 USD (tương đương 2,0%) xuống mức 83,12 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cũng đã giảm 1,70 USD (tương đương 2,1%) xuống mức 79,16 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa thấp nhất của cả 2 hợp đồng dầu kể từ ngày 31/3/2023 đến nay, xoá gần hết mức tăng trước đó kể từ thông báo cắt giảm sản lượng bất ngờ vào ngày 2/4 của OPEC+.
Vào ngày thứ Tư vừa qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô tại Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 1,1 triệu thùng của các chuyên gia phân tích và dự báo sẽ giảm khoảng 2,7 triệu thùng từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) khi các nhà máy lọc dầu hoạt động và xuất khẩu tăng, trong khi dự trữ xăng bất ngờ tăng do nhu cầu người tiêu dùng giảm mạnh đang làm tăng thêm phần thất vọng cho ngành năng lượng và là một trong những lý do khiến giá dầu thô quay đầu giảm.
Ngoài ra, giá dầu thô giảm còn do lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất khiến đồng USD tăng cao. Đồng USD tăng khiến các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh như dầu trở nên đắt đỏ hơn, qua đó có thể làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu ở các quốc gia khác. Nhà đầu tư cũng nản lòng bởi lạm phát vẫn cao ở các nước châu Âu và dữ liệu kinh tế không đồng đều ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới hiện nay.
Chủ tịch Fed khu vực Atlanta, Raphael Bostic, cho biết, Fed có khả năng sẽ nâng lãi suất thêm một lần nữa trong thời gian tới.
Theo một báo cáo của Fed, hoạt động kinh tế tại Mỹ đang có ít thay đổi trong những tuần gần đây khi tăng trưởng việc làm có phần chững lại và lạm phát dường như chậm lại.
Trong khi đó, các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn cảnh giác với lạm phát và cũng đã đề xuất nâng thêm lãi suất.
Theo Reuters, điều này đã góp phần gây thêm áp lực cho giá dầu. Bên cạnh đó, các nhà máy lọc dầu ở châu Á vẫn tiếp tục mua dầu thô của Nga trong tháng 4/2023, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc đã mua phần lớn dầu của Nga với giá cao hơn mức giá trần của phương Tây là 60 USD/thùng.