Sản lượng giảm khiến giá gạo - lương thực chính của 3,5 tỉ người trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tiêu thụ khoảng 90% lượng gạo toàn cầu, tăng lên.
Giá gạo cao nhất trong 10 năm
Theo báo cáo của Công ty Fitch Solutions, thị trường gạo toàn cầu năm nay sẽ thiếu khoảng 8,7 triệu tấn, mức cao nhất trong 20 năm qua kể từ các năm 2003 và 2004 - thời điểm thiếu tới 18,6 triệu tấn.
Ông Charles Hart, chuyên gia phân tích về hàng hóa của Fitch Solutions, cho biết: "Ở cấp độ toàn cầu, tác động rõ ràng nhất của tình hình thiếu gạo là giá gạo đang cao nhất trong 10 năm qua".
Theo Fitch Solutions, dự kiến giá gạo sẽ duy trì ở mức cao từ nay đến năm 2024. Cụ thể, giá gạo trung bình sẽ là 17,30 USD/cwt (1 tạ, 1 bao 1 tạ Anh khoảng 50kg, 1 bao 1 tạ Mỹ khoảng 45kg, tính ra khoảng 415.000 đồng/bao) trong năm 2023.
Giá gạo sẽ giảm còn 14,50 USD/cwt (khoảng 348.000 đồng/bao) vào năm 2024. Cwt là đơn vị đo lường cho một số mặt hàng như gạo.
Do gạo là lương thực chính ở nhiều nước châu Á nên giá gạo cao sẽ dẫn tới lạm phát ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đặc biệt với các gia đình nghèo.
Theo báo cáo, nguồn cung gạo bị ảnh hưởng do thời tiết xấu ở các nước như Trung Quốc, Pakistan và do tác động của cuộc chiến tại Ukraine.
Trong nửa cuối năm 2022, nhiều vùng nông nghiệp ở Trung Quốc, nước trồng lúa lớn nhất thế giới, bị ảnh hưởng do mưa lớn và lũ lụt. Tại Pakistan, quốc gia đóng góp 7,6% thương mại gạo toàn cầu, sản lượng gạo cũng giảm 31% so với cùng kỳ năm trước vì lũ lụt.
Ông Hart cho biết trong khi thời tiết khiến nguồn cung bị giảm, gạo lại trở thành lương thực thay thế mới. Do giá của các loại ngũ cốc chính như lúa mì tăng vọt vì chiến sự tại Ukraine, nhu cầu về gạo tăng lên.
Ông Oscar Tjakra, nhà phân tích cấp cao tại Ngân hàng lương thực và nông nghiệp toàn cầu Rabobank, cho biết: "Tình trạng thiếu gạo sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu của các nước nhập nhiều gạo như Indonesia, Philippines, Malaysia và các nước châu Phi năm 2023". Chuyên gia này nhận định nhiều quốc gia sẽ buộc phải mở kho dự trữ gạo.
Từ thiếu tới thừa
Tuy nhiên, Fitch Solutions cũng cho rằng tình trạng thiếu gạo hiện nay chỉ là ngắn hạn, và ước tính thị trường gạo toàn cầu sẽ trở lại "trạng thái gần như cân bằng năm 2023, 2024" và sau đó là dư.
Sang năm 2024, giá gạo sẽ giảm so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn giá trung bình của năm 2022, nhưng cao hơn so với giá trung bình trước dịch COVID (2015 - 2019) khoảng 1/3.
Báo cáo của Fitch Solutions nhận định: "Thị trường gạo sẽ dư trở lại trong năm 2024, 2025 và nguồn cung sẽ dồi dào trong trung hạn".
"Sản lượng gạo toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ năm 2023, 2024. Tổng sản lượng kỳ vọng sẽ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước", báo cáo nêu. Fitch Solutions cũng cho rằng Ấn Độ, nước trồng lúa lớn thứ hai thế giới, là "động lực chính" làm tăng sản lượng gạo toàn cầu trong năm năm tới.
Tuy nhiên, sản lượng lúa gạo thực tế sẽ phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Các dự báo nắng nóng với các đợt nắng nóng cực đoan trong quý 2 và 3 năm nay sẽ đe dọa vụ thu hoạch lúa mì và lúa gạo của Ấn Độ, Trung Quốc...
Hè 2023 sẽ đặc biệt nắng nóng với Việt Nam do ảnh hưởng của El Nino, chuyên gia khí hậu Nguyễn Ngọc Huy cảnh báo.
Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng tốc xuất khẩu gạo
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những yếu tố của tình hình thương mại gạo thế giới sẽ tác động đến Việt Nam. Cụ thể, bộ này dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu dự báo giảm đồng loạt ở Argentina, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Pakistan, Paraguay, Nga, Senegal, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay và Mỹ, trong đó Ấn Độ và Pakistan giảm nhiều nhất (khoảng 2,1 triệu tấn) do sản lượng giảm và chính sách ổn định thị trường nội địa.
Nhập khẩu sẽ giảm ở Angola, Úc, Bangladesh, Benin, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Costa Rica, Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Guinea, Iraq, Kenya, Hàn Quốc, Madagascar, Mali, Nigeria, Philippines, Senegal, Somalia, Sri Lanka, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan.
Chưa kể, chủ nghĩa "bảo hộ lương thực" có xu hướng lan rộng. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, tỉ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới.
Vì vậy, gần 30 nước đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.
Bên cạnh đó, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như nhiệt độ trung bình tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, thiên tai... đã tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, Bộ Công Thương chỉ ra thách thức đặt ra với xuất khẩu gạo của Việt Nam là chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân còn hạn chế.
Thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Philippines (chiếm hơn 45% tổng lượng).
Công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng tiềm năng khi mới có hai chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia thực hiện tại Philippines và Bờ Biển Ngà, ít hơn so với ngành hàng khác nên tần suất và quy mô giao thương chưa như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, gạo xuất khẩu Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung giá rẻ khác như Ấn Độ, Pakistan.
Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đưa ra một số giải pháp trong thúc đẩy xuất khẩu gạo. Trọng tâm như đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi phía EU cập nhật, bổ sung vào danh mục chủng loại gạo thơm để phù hợp với thực tế, từ đó sửa đổi danh mục chủng loại gạo thơm nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Cơ chế nguồn vốn tín dụng thay vì thế chấp tài sản, các ngân hàng linh động tạo điều kiện mở rộng thêm hình thức tín chấp đối với các thương nhân có uy tín trong xuất khẩu. Gắn với đó là thúc đẩy xúc tiến thương mại, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị...
NGỌC AN
Giá gạo xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm của Việt Nam tăng 9,2%
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-4, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho biết theo kế hoạch năm 2023, cả nước trồng khoảng 7,2 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến khoảng 43 triệu tấn thóc.
Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước khoảng 13 triệu tấn, tương đương 6 - 6,5 triệu tấn gạo.
Theo ông Cường, sản lượng gạo xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh ĐBSCL. Để đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất lúa, nhất là ĐBSCL chủ động canh tác, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp nhu cầu thị trường.
Nếu doanh nghiệp có đơn hàng và yêu cầu, Cục Trồng trọt sẽ điều chỉnh theo các nhóm giống, mùa vụ để kịp thời đáp ứng.
Theo Bộ NN&PTNT, ba tháng đầu năm 2023 Việt Nam xuất khẩu 1,79 triệu tấn gạo, thu về 952 triệu USD. Dù giảm 19,3% về khối lượng nhưng lại tăng 30,2% giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 3-2023, giá gạo Việt Nam kéo dài đà tăng nhờ xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc. Giá gạo xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,3% thị phần. Xuất khẩu gạo sang nước này trong hai tháng đầu năm nay đạt 401.000 tấn, tương đương 205 triệu USD.
Tiếp đó là thị trường Trung Quốc chiếm 18,4% trong tổng lượng và chiếm 20,3% trong tổng kim ngạch khi đạt 340.000 tấn, tương đương 199 triệu USD, tăng mạnh 91% về lượng và tăng 119% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Indonesia là thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất trong hai tháng đầu năm 2023, tăng 304 lần.
CHÍ TUỆ
Giá gạo Việt Nam kéo dài đà tăng nhờ xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc và Indonesia. Trong khi đó, giá gạo tại hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của đồng nội tệ.
Xem thêm: mth.32054718012403202-oag-nat-ueirt-7-8-ueiht-ioig-eht/nv.ertiout