Một thị xã vùng biên nhiều nắng quái, sách vở rất ít, thư viện rất nóng, thị xã rất buồn và một thiếu niên mười mấy tuổi thì phải làm gì đây nếu thiếu những trang sách cho mình đi đến một thế giới khác?
Nước Anh mù sương lộng gió của Emily Brontë, nước Nga bạch dương đội tuyết của Paustovsky, Hà Nội rét nàng bân của Vũ Bằng... Những ngày đó, chỉ cần nghĩ đến sách, cái sạp báo nhỏ ở công viên lại hiện ra...
Tôi nhớ những buổi trưa đổ đường ba bốn cây số, chạy xe dưới cái nóng cháy da để có thể với ngay tập tiếp theo của cuốn Harry Potter chỉ vì mình đang có hứng đọc. Tôi nhớ đã mua Đô-rê-mon ở đó.
Tôi cũng mua Cô gái chơi dương cầm của Elfriede Jelinek ở đó. Cả Mùi hương của Patrick Süskind lẫn Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi...
Sạp báo không có tất cả, nhưng nó có nhiều hơn một thế giới. Sách dạy làm giàu cạnh sách dạy làm người, ma cà rồng đứng kề hiệp khách, sách dạy nghề nuôi cá cảnh xếp chồng lên sách công thức nấu ăn...
Tôi không thể đếm hết bao nhiêu buổi trưa tôi đã đứng tần ngần trước sạp báo ấy. Để cân nhắc, để chọn lựa, để kịp kín đáo thọc tay vào túi quần và đếm xem mình đem theo khoảng bao nhiêu tiền và số tiền ấy có đủ mua cuốn sách mình để ý hay không. Những buổi trưa thật dài.
Có những lần hồi hộp chờ xem cuốn sách mình muốn mua nhưng chẳng thể mua đó có nằm yên trên sạp hay không. Có những ngày thật tuyệt vọng. Những cuốn sách đã không còn chờ đợi tôi nữa. Đường phố buồn hiu.
Cũng có ngày đời hẳn còn niềm vui bé nhỏ khi cuối cùng cũng mua được cuốn sách mình cần, liền tấp ngay vào bên kia đường, ngồi trên ghế đá, dưới tán bồ đề, đọc ngay cuốn sách vẫn còn nóng hổi theo nghĩa đen, bởi những cuốn sách thường phơi nắng dãi dầu, lắm khi bìa đã phai màu đôi chút.
Tôi nhớ như in khuôn mặt lẫm liệt (chắc là) Gia Luật Hồng Cơ trên bìa Thiên Long Bát Bộ. Mỗi lần ghé ngang sạp báo ấy sẽ thấy bộ râu ông ta nhạt đi chút đỉnh.
Không biết những trưa rỗi rãi, cô chủ sạp báo có thử giở ra một cuốn bất kỳ trong đống sách báo mình đang bán và lắng nghe thế giới xoay tròn quanh căn sạp bé nhỏ. Tỉnh nhỏ/ Cô em/ nằm xem/ "Kiếm hiệp" (thơ Yến Lan).
Và giống như một thời kiếm hiệp đã không còn thịnh như thuở trước, những hiệu sách nhỏ (mà chủ yếu là bán dụng cụ học tập) đã dẹp dần. Giờ đây, Tỉnh nhỏ/ Cô em/ còn xem/ "Kiếm hiệp"?
Tôi về, nơi xưa, công viên đã thành công trường để xây lên một dự án mới. Sạp báo đã dọn đi đâu? Hay cô bán báo cũng đã bỏ nghề?
Chợt nhớ những chuyến xe "thồ" sách để trước cổng trường như một thư viện công cộng cố lan tỏa một tình yêu sách vở đến nẻo xa.
Hay cụ bà đêm đêm trải bạt trên hè phố Sài Gòn dựa vào vài chục quyển sách cũ để mưu sinh, những "thư viện" tư nhân âm thầm... Những mảnh nhỏ trong huyên náo ngày thường cố gắng giữ lại "một góc thiên đường" của ai đó.
Nhiều nghệ sĩ duy trì thói quen đọc sách và xem đọc sách là việc quan trọng để bồi đắp cảm xúc, tâm hồn cho các nhân vật của mình.
Xem thêm: mth.94553600112403202-uc-gnoud-neiht-cog-tom-oab-hcas-pas/nv.ertiout