Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường sắt
Thái Lan đang đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc thông qua hệ thống đường sắt kết nối 3 nước Thái Lan - Lào - Trung Quốc. Trong tuần này, đã có 2 chuyến tàu vận chuyển gần 50 container hoa quả tươi từ Thái Lan đi Côn Minh và Quảng Châu.
Hoa quả tươi trước tiên được chở bằng đường sắt từ Thái Lan đến thủ đô Vientiane của Lào. Do hệ thống đường sắt Thái Lan không cùng khổ đường ray với hệ thống đường sắt Lào - Trung Quốc nên hoa quả Thái Lan được chuyển tàu tại Lào để đi tiếp sang Trung Quốc.
Với 3 tuyến hiện tại, nông sản từ Thái Lan đến Côn Minh mất từ 3 - 4 ngày, đến Trùng Khánh mất 4 - 5 ngày, còn đến Quảng Châu mất 5 - 6 ngày.
Vận tải đường sắt là hình thức vận chuyển nhanh hơn và an toàn hơn so với vận chuyển bằng xe tải và tàu biển, đồng thời cũng giúp giảm lượng khí thải carbon.
Để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hoa quả tươi nói riêng và hàng hóa nói chung sang thị trường Trung Quốc, Chính phủ Thái lan đang đàm phán về việc hình thành tuyến đường sắt mới kết nối ga Noọng Khai của nước này với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc trong vòng từ 3 - 5 năm tới.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Thái Lan. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của nước này trong năm ngoái, chiếm hơn 96% tổng lượng xuất khẩu với trị giá hơn 3 tỷ USD.
Cạnh tranh xuất khẩu nông sản bằng đường sắt
Các nước Đông Nam Á cung cấp phần lớn trái cây nhiệt đới cho thị trường Trung Quốc. Tại Đông Nam Á, năm 2022, Thái Lan xuất khẩu trái nhiều nhất vào Trung Quốc với giá trị gần 6,3 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 với gần 1,3 tỷ USD.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Thái Lan. (Ảnh minh họa - Ảnh: bangkokpost)
Rõ ràng, việc đưa vào hoạt động tuyến đường sắt Thái Lan - Lào - Trung Quốc sẽ khiến cạnh tranh xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc càng khốc liệt hơn.
Trước khi tuyến đường sắt Thái Lan - Lào - Trung Quốc, trái cây Thái Lan xuất vào Trung Quốc phần là đi qua cửa khẩu quốc tế Việt Nam, phần là đi đường biển, đường hàng không. Hiện có tuyến đường sắt, trái cây Thái chỉ mất 3 - 5 ngày đã tiếp cận được các thị trường miền Nam, miền Tây của Trung Quốc. Nhờ lợi thế giáp biên nên lâu nay trái cây Việt Nam thường tiêu thụ mạnh nhất ở phía Nam.
Do đó khi có đường sắt, trái cây Thái Lan, Lào cũng sẽ tràn vào phía Nam nhiều hơn, nhanh hơn, tươi hơn nên nông sản Việt Nam sẽ mất bớt lợi thế giáp biên, cạnh tranh khốc liệt hơn với nông sản Thái.
Việt Nam không thiếu trái cây ngon, chất lượng không thua gì nhiều nước. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, nông sản Thái được tiêu thụ mạnh hơn nhờ đầu tư mạnh cho quảng bá nông sản mang tầm quốc gia tại Trung Quốc. Thái Lan thiết lập chặt chẽ mối quan hệ giữa doanh nghiệp, những đầu mối mua hàng lớn bên Trung Quốc - vốn chi phối các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối. Trên các nền tảng thương mại điện tử - vốn là kênh bán hàng tăng trưởng mạnh nhất hiện nay, các gian hàng bán nông sản Thái Lan cũng áp đảo hơn của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, ngoài gia tăng sản xuất hàng hóa lớn, đàm phán xuất chính ngạch nhiều loại trái cây, làm thế nào để quảng bá trái cây ngon Việt Nam đến người tiêu dùng thành thị, đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử, siêu thị cũng là vấn đề lớn một mình doanh nghiệp hay nông dân không thể làm nổi.
VTV.vn - Sau thời gian dài đàm phán và hoàn thiện các tiêu chuẩn cần thiết, sáng 19/4, lô khoai lang đầu tiên của Việt Nam được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!