Theo báo cáo thường niên "Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, xếp hạng, TP Hồ Chí Minh bất ngờ giảm tới 13 bậc từ (14 xuống 27).
Đây được xem là "nốt trầm" trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hồ Chí Minh những năm qua. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, cần đặt trường hợp TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh cụ thể để có đánh giá toàn diện, đúng bản chất từ đó đưa ra giải pháp cải thiện hiệu quả.
Đánh giá toàn diện
Chỉ số PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp. kết quả khảo sát các chỉ số của TP Hồ Chí Minh năm 2022 cho thấy, hai chỉ số có kết quả thấp nhất là "tính năng động của chính quyền tỉnh" đứng thứ 62/63 tỉnh thành của cả nước. Bên cạnh đó, "chi phí không chính thức" xếp thứ 60/63 tỉnh thành cho thấy sự đánh giá bộ máy hành chính còn nhũng nhiễu, phiền hà.
Các chỉ số khác như "chi phí gia nhập thị trường" xếp thứ hạng 43; "tiếp cận đất đai" xếp thứ 54 cũng dưới mức trung bình. Điểm sáng trong các điểm số thành phần của TP Hồ Chí Minh là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có kết quả tốt nhất cả nước hay chỉ số đào tạo lao động xếp thứ 10 cả nước.
Bình luận về vấn đề ngày, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP Hồ Chí Minh giảm tới 13 bậc trong năm 2022 là một vấn đề rất đáng báo động nhưng không phải là thông tin gây ngạc nhiên đối với những người làm công tác nghiên cứu của thành phố.
Có hai nguyên nhân dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh của TP Hồ Chí Minh bị đánh giá thấp, trước hết TP Hồ Chí Minh là đô thị rất lớn, một trung tâm kinh tế sôi động nên việc xoay sở với nhiều tác động bên ngoài không đơn giản như các tỉnh, thành có quy mô kinh tế nhỏ hơn.
TP Hồ Chí Minh quy tụ rất nhiều doanh nghiệp giỏi, nhà đầu tư có trình độ cao đến kinh doanh, cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng, yêu cầu rất cao đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vào chính quyền.
Nhưng khi trở thành trung tâm thu hút đầu tư thì các điều kiện phục vụ sản xuất kinh doanh trở nên đắt đỏ, điển hình như chi phí mặt bằng của TP Hồ Chí Minh không thể rẻ, thậm chí cao hơn gấp nhiều lần so với một số tỉnh, thành khác.
Do đó, việc doanh nghiệp chấm điểm thấp các yếu tố "chi phí gia nhập thị trường","tiếp cận đất đai" của TP Hồ Chí Minh là thực tế khách quan nhưng cũng rất dễ hiểu.
Nguyên nhân thứ hai theo ông Phạm Bình An là xuất phát từ tâm lý e ngại, sợ làm sai, sợ chịu trách nhiệm của cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền. Mặc dù Trung ương đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Thành uỷ, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều giải pháp giúp cán bộ công chức cởi bỏ tâm lý e ngại nhưng qua quan sát có thể thấy chính sách ứng xử không nhất quán đang tạo ra áp lực lên đội ngũ công chức các sở, ngành.
"Khi "nước sôi lửa bỏng" cán bộ, công chức được khuyến khích phải năng động, sáng tạo, linh hoạt trong giải quyết công việc nhưng khi tình huống qua đi chính những người đó lại bị soi xét và quy về sai phạm mà không có cơ chế, văn bản chính thức nào để bảo vệ. Điều này khiến đội ngũ cán bộ công chức bị "chùng lại".
Tuy nhiên, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh cũng cần xem xét kỹ hơn vấn đề nội tại vì cùng đặt trong bối cảnh chung nhưng một số địa phương lại có bước cải thiện vượt bậc về mọi mặt và vươn lên trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh", ông Phạm Bình An phân tích.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên chia sẻ, về mặt khoa học thống kê, các chỉ số đánh giá PCI năm 2022 của TP Hồ Chí Minh là khách quan nhưng chỉ mới mang tính tương đối chứ không hoàn toàn thể hiện bản chất môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hồ Chí Minh. Nếu tính về thứ hạng, TP Hồ Chí Minh tụt hạng khá sâu nhưng nếu xét về điểm từng chỉ số thì không có quá nhiều biến động so với những năm trước.
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, nếu chỉ so sánh các chỉ số như chi phí gia nhập thị trường và khả năng tiếp cận đất đai của Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương khác thì sẽ chưa xác đáng, bởi TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn, mọi chi phí vận hành đều cao hơn, quỹ đất có hạn và phải chọn lọc trong thu hút đầu tư. Ngược lại, cũng cần nhìn nhận các chỉ số như hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động của Tp.Hồ Chí Minh liên tục được cải thiện và luôn trong top đầu cả nước.
Là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hơn 20 năm và chứng kiến nhiều giai đoạn "thăng trầm" của kinh tế thành phố, cộng đồng doanh nghiệp quan sát và cảm nhận được những nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian khó khăn từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến lúc thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế.
Cải thiện bằng cách nào?
Đặt trong bối cảnh khó khăn và yếu tố đặc thù của một đô thị lớn, chịu tác động mạnh từ các diễn biến kinh tế toàn cầu, việc giảm thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP Hồ Chí Minh không gây bất ngờ. Tuy nhiên, rõ ràng đây là lúc thành phố cần nhìn nhận một cách nghiêm túc những vấn đề của mình để đưa ra giải pháp cải thiện nếu không muốn ngày càng tụt lại phía sau.
Ông Phạm Bình An nhận định, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu khó khăn từ giữa năm 2022, nhưng suy giảm tăng trưởng thể hiện rõ nhất trong quý I/2023 và khả năng ảnh hưởng đến kết quả cả năm 2023. Rất nhiều vướng mắc như thị trường bất động sản, đầu tư công và huy động vốn đều chưa có giải pháp tháo gỡ. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, cần có những thay đổi mang tính đồng bộ. Đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến sự năng động, tích cực của đội ngũ cán bộ công chức trong việc đảm bảo tiến độ giải quyết công việc cho doanh nghiệp.
Muốn vậy, TP Hồ Chí Minh phải quyết liệt hơn trong việc những cái cải thiện môi trường đầu tư, tạo ra các dư địa mới cho tăng trưởng thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp đã có xu hướng bão hoà.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh cần khai thác thế mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để thu hút các nhà đầu tư mới, ít sử dụng đất đai, thâm dụng lao động.
Mặt khác, cần tập trung giải quyết điểm nghẽn đầu tư công cho từng dự án cụ thể, vướng cái gì, ở đâu, trách nhiệm thuộc về cấp nào thì để xuất phương án theo cấp đó. Đồng thời, khai thông thị trường bất động sản để tạo sự lan toả, luân chuyển dòng vốn đầu tư giữa các lĩnh vực.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ thì cho rằng, đã đến lúc TP Hồ Chí Minh xem xét tính cân đối trong việc phân bổ các nguồn lực phục vụ cho từng lĩnh vực tương ứng.
Đơn cử như nguồn lực đất đai cho nông nghiệp và công nghiệp, hiện tại tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp vào GRDP của thành phố là rất nhỏ nhưng diện tích đất quy hoạch nông nghiệp vẫn rất lớn.
Ngược lại, ngành công nghiệp sản xuất - kinh doanh đang đóng góp lớn vào sự tăng trưởng thì lại thiếu quỹ đất, rất khó tiếp cận đất đai để đầu tư mới hay mở rộng sản xuất.
"Nếu ví các doanh nghiệp là con gà đẻ trứng vàng thì ít nhất TP Hồ Chí Minh phải có cái ổ để gà đẻ trứng. Còn hiện tại, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào thành phố phải xếp hàng chờ, nhanh thì vài tháng, chậm thì vài năm thậm chí sau nhiều năm vẫn không bố trí được quỹ đất. Khi đó, tất yếu các nhà đầu tư sẽ chọn dịch chuyển sang các địa phương khác", ông Vũ nêu vấn đề.
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, thế khó của TP Hồ Chí Minh hiện nay là chưa được tự quyết trong việc phân bổ nguồn lực, không chỉ về đất đai mà cả nguồn vốn cho các công trình đầu tư công. Chính vì vậy, cần có cơ cế riêng, tạo điều kiện để TP Hồ Chí Minh chủ động trong việc sử dụng, bố trí nguồn lực vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu thực tế, giảm thời gian, thủ tục chờ đợi cũng là tăng cơ hội và sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Song song đó TP Hồ Chí Minh cũng cần tập trung cải thiện các vấn đề đã được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đề cập thời gian gần đây như hạ tầng đô thị, tình trạng kẹt xe, ngập nước, chất lượng không khí, môi trường sống bởi suy cho cùng, chủ đầu tư ở đâu thì doanh nghiệp sẽ tập trung ở đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.15770216112403202-icp-os-ihc-gnah-tut-hcam-tab-hnim-ihc-oh-pt/et-hnik/nv.vtv