14h20 hôm nay, TAND Hà Nội công bố phán quyết sau 5 ngày xét xử và nghị án, nhận định đây là vụ án rất nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế. Hành vi của cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 đồng phạm làm ảnh hưởng uy tín của ngành y tế và bệnh viện, gây bất an trong nhân dân, đi ngược công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.
Ông Tuấn là người chỉ đạo chung, chịu trách nhiệm chính và cao nhất, chi phối hành vi của những bị cáo khác.
Theo TAND Hà Nội, ông Tuấn phạm tội do nôn nóng "trong hoàn cảnh ngành y tế đang khó khăn, vật tư y tế mua sắm không đáp ứng kịp do các quy định pháp luật". Ông thành khẩn, nhận hết trách nhiệm.
"Sai phạm của bị cáo Tuấn không liên quan chuyên môn ngành y mà hoàn toàn thuộc công tác quản lý", bản án nêu.
HĐXX ghi nhận ông Tuấn là bác sĩ có chuyên môn tim mạch đầu ngành, được trong nước và quốc tế đánh giá cao; từng được UBND Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú, cứu sống nhiều bệnh nhân.
Xét các tình tiết giảm nhẹ nêu trên, tòa tuyên ông Tuấn 3 năm tù về tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 11 đồng phạm còn lại từ 2 năm tù treo đến 3 năm 6 tháng tù.
Ông Tuấn không bị tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành sau bản án.
Trước đó, ông Tuấn bị VKS đề nghị 4-5 năm tù, 11 đồng phạm từ 24 tháng tù treo đến 4 năm tù.
Bản án nêu, về nguyên tắc phải buộc 12 người trong vụ án liên đới bồi thường, song thiệt hại của vụ án 53,6 tỷ đồng là chính là số tiền các bị cáo thuộc Công ty Hoàng Nga và Kim Hoà Phát chiếm hưởng. Do đó, toà chỉ buộc các bị cáo này bồi thường.
Toà ghi nhận bị cáo Phan Tuấn Đạt, cựu Chủ tịch công ty Kim Hoà Phát, đã hoàn thành nghĩa vụ này với việc nộp đủ 6,6 tỷ đồng; vợ chồng bị cáo Phạm Thị Kim Oanh và Nguyễn Đức Đảng (cựu Chủ tịch công ty Hoàng Nga) đã bồi thường cho bệnh viện 33 tỷ đồng, còn phải nộp 14 tỷ đồng.
Số tiền 10.000 USD được Hoàng Nga biếu, ông Tuấn đã nộp lại cùng 6 tỷ đồng tự nguyện khắc phục, HĐXX tuyên sung công quỹ nhà nước.
Trong những ngày tranh tụng tại toà, các bị cáo đều thừa nhận sai phạm, vì những động cơ khác nhau. Cựu giám đốc Tuấn phân trần lý do đấu thầu sai do "không còn cách nào khác". Bởi giai đoạn năm 2016-2017, Bệnh viện Tim Hà Nội thiếu vật tư, bệnh nhân đông, nếu đấu thầu theo phương thức truyền thống đến cuối năm vẫn chưa xong, bệnh viện "có nguy cơ phải đóng cửa".
Bốn cựu cán bộ của bệnh viện khẳng định không hưởng lợi, chỉ làm theo chỉ đạo của giám đốc Tuấn. Các bị cáo thuộc Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hoà Phát, hai doanh nghiệp hưởng lợi từ chênh giá, nói có sai sót trong thẩm định giá, song khẳng định vật tư tốt, chất lượng cao, không thông đồng về giá với ông Tuấn. Nhận thức được hưởng lợi cao nhất vụ án, các bị cáo thuộc hai công ty đã bồi thường tổng cộng 15 tỷ đồng trong số thiệt hại 53,6 tỷ đồng, trước khi vụ án được xét xử.
Tại lời sau cùng, ông Tuấn nói sai phạm là "bài học đau xót" của cuộc đời, sau quá trình phấn đấu và cống hiến tận tuỵ cho bệnh nhân và ngành tim mạch nước nhà. Ông và các cán bộ dưới quyền đều xin toà giảm tội cho đồng nghiệp.
Bản án xác định ông Tuấn "chủ mưu" trong sai phạm đấu thầu gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng cho Bệnh viện Tim Hà Nội. Do có quan hệ từ trước với hai doanh nghiệp Hoàng Nga và Kim Hoà Phát, ông Tuấn tạo điều kiện để họ ký gửi vật tư cho bệnh viện sử dụng trước. Sau đó, ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới gian lận đấu thầu để hợp thức hóa, thanh toán cho hai doanh nghiệp theo hình thức trúng thầu.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.4016954-ut-man-3-tahp-ib-naut-gnauq-neyugn-ion-ah-mit-neiv-hneb-cod-maig-uuc/ten.sserpxenv