Tôi vào xem càng thấy nhân loại từ Đông sang Tây đã và đang sáng tạo sách một cách kỳ diệu.
Cuộc triển lãm do Thư viện quốc gia của bang Victoria thực hiện. Đây là một trong những tòa nhà cổ kính đẹp nhất ở trung tâm Melbourne. Và thật bất ngờ, tôi chứng kiến tại thư viện mới đây đã có không gian dành riêng cho các công dân khởi nghiệp đến làm việc, gặp gỡ, tìm tài liệu.
Tôi còn thích thú và khâm phục không chỉ vì cách bảo quản và giới thiệu các ấn phẩm mà còn được hưởng thụ cách phục vụ chu đáo như đối với người địa phương.
Ngay như Thư viện quốc gia Singapore từ 20 năm trước, khách nước ngoài vào đọc sách tại chỗ đều không phải làm thẻ và không ai hỏi giấy tờ tùy thân.
Xem xong, tôi nghĩ đến một ngày không xa những cuộc triển lãm tương tự ở quy mô lớn hay nhỏ đều có thể thực hiện ở Việt Nam, nhất là trong các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4. Hay các hội chợ sách, các đường sách bắt đầu ra đời đây đó từ nhiều năm nay.
Thế nhưng, những ngày triển lãm sách hay lễ hội sách có kéo dài cũng chỉ một tuần hay vài tháng. Còn sau đó, khi không khí rộn ràng đã lắng xuống, thì người dân sẽ tìm đến sách ở đâu và như thế nào?
Dĩ nhiên người dân sẽ đến các nhà sách cũng đang mọc lên khá nhiều ở các đô thị lớn của nước ta. Tuy vậy, điểm đến của người đọc sách phổ biến muôn đời nay của nhiều nơi trên thế giới chính là thư viện. Trong đó, nhiều nhất là hệ thống thư viện công cộng.
Ở nhiều nước, thư viện công cộng không phải là bộ mặt trang trí mà là phương tiện sinh hoạt cần thiết của đời sống người dân. Người dân đến đó không chỉ để mượn sách và đọc sách tại chỗ phần lớn đều là miễn phí hoặc chỉ thu lệ phí nhỏ.
Họ còn sử dụng thư viện như các trung tâm văn hóa và học hành. Họ đến đó để học hỏi ngay từ các cuộc triển lãm, nói chuyện, xem văn nghệ, tập huấn kỹ năng và kể cả uống cà phê, ăn nhà hàng, tiếp khách và tham gia sự kiện. Sách, văn hóa đọc từ đó lan tỏa rộng hơn, như sinh hoạt thường nhật.
Khi đến dự Ngày hội Sách và Văn hóa đọc ở Trường đại học Mỹ thuật tại TP.HCM vào hôm 20-4, tôi ghi nhận một nghĩa cử đẹp. Đó là việc nhà giáo Nguyễn Hoàng, nguyên hiệu trưởng của nhà trường, tuổi ngoài 80 đã đem đến tặng các bộ sách quý mà ông sưu tập bấy lâu.
Ở nước ta, đến nay đã có không ít các trí thức trao tặng sách báo giá trị cho các thư viện để sách báo giá trị đó được giữ gìn và lan tỏa rộng hơn. Văn hóa đọc cũng là văn hóa cho và nhận. Nghĩa cử ấy cần được nhân rộng để trở thành một "tập tục" tử tế và rộng rãi.
Để được như những điều ở trên, các thư viện không chỉ cần đầu tư cơ sở vật chất mà còn cần có nhiều hoạt động phổ biến sách, thu hút người dân đến với mình.
Ngoài ra còn cần phải giữ gìn tốt hơn và phổ biến rộng hơn "kho báu" sách vở. Ngày nay, không thể nào khác, các thư viện phải "số hóa" và lên mạng, chứ không thể chỉ đưa sách vở vào kho để đó và rồi mai một hay thất thoát như nhiều nơi hiện nay vẫn vậy.
Thiết nghĩ không chỉ ngành văn hóa mà chính quyền các cấp cùng nhà trường và xã hội cần nâng niu, xây đắp hơn nữa "bộ ba" sách, thư viện và văn hóa sẻ chia.
Mong rằng 365 ngày của một năm, chứ không chỉ một ngày, đều được coi là Ngày Sách và Văn hóa đọc, thông qua nhiều hoạt động đa dạng và hiệu quả để sách và thư viện thực sự trở thành một quyền lợi của người dân và thiết chế văn minh của quốc gia.
Nhiều nghệ sĩ duy trì thói quen đọc sách và xem đọc sách là việc quan trọng để bồi đắp cảm xúc, tâm hồn cho các nhân vật của mình.
Xem thêm: mth.82923848022403202-yagn-tom-ihc-gnohk-hcas/nv.ertiout