Cốc cà phê với họa tiết neon cá tính của nghệ nhân Dustin Barzell - Ảnh: Ceramicism |
Năm 2021, khi “đứa con tinh thần” được rao bán tại nhà đấu giá danh tiếng Sotheby's, nữ nghệ sĩ điêu khắc người Anh Alma Berrow cảm thấy bất ngờ xen lẫn căng thẳng. Tác phẩm của cô - một chiếc gạt tàn hình vỏ sò xếp đầy tàn thuốc lá bên trong được làm hoàn toàn từ gốm - đạt mức giá gây kinh ngạc: 16.000 bảng Anh (hơn 462 triệu đồng). Berrow cũng như nhiều thợ thủ công và người yêu thích đồ gốm đang chứng kiến một xu thế đổi mới thú vị, trong đó những sản phẩm gốm sứ phản ánh sinh động hơn bao giờ hết hơi thở cuộc sống tươi tắn, cá tính.
“Về phương diện thẩm mỹ thiết kế, đồ gốm sứ chưa từng được đón nhận một cách nghiêm túc. Góc nhìn cởi mở của người tiêu dùng hiện đại có thể giúp chúng hồi sinh thành công như những năm gần đây” - Berrow bày tỏ.
Niềm vui bình dị từ đất sét
Khác với văn phòng Sotheby's trên con phố Bond xa xỉ thuộc tây London, ở khu đông bình dân hơn của thủ đô nước Anh, cửa hàng đồ thủ công DIY Art Shop bày bán nhiều sản phẩm gốm sứ mang dấu ấn tươi vui mới lạ, tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng. Chủ tiệm, thợ gốm kiêm doanh nhân Mark Farhall, còn đề ra ý tưởng tổ chức Hội chợ Gốm Sứ tự do. Đây là cơ hội để đông đảo thương hiệu và nghệ nhân bản địa xây dựng danh tiếng.
Trong quá khứ, thị trường đồ gốm tràn ngập những mẫu sản phẩm tiện dụng, thanh lịch cho bàn ăn cùng những phụ kiện trang trí nội thất chịu ảnh hưởng bởi truyền thống phương Đông. Ngược lại, ngày nay, các nghệ nhân, nhà sản xuất trẻ bắt đầu tìm kiếm cảm hứng từ sinh hoạt đời thường, văn hóa mua sắm đương đại và nghệ thuật hoạt hình rực rỡ. Nhiều thiết kế gốm sứ đem lại ấn tượng tối giản, mộc mạc hoặc tươi trẻ, đậm chất riêng.
Thông qua mạng xã hội, Louise Daneels giới thiệu và bày bán những món phụ kiện trang trí đáng yêu, mô phỏng nhiều vật dụng sinh hoạt quen thuộc - Ảnh: Instagram |
“Táo bạo và đầy sức sống là 2 tính từ thích hợp nhất mô tả trào lưu này. Từ góc nhìn đời sống của riêng họ, những người thợ tạo ra các mặt hàng đồ gốm mang đậm tính cá nhân. Bên cạnh đó, thông qua nền tảng mạng xã hội như TikTok và Instagram, họ có thể xây dựng thương hiệu, kết nối cùng cộng đồng khách hàng yêu gốm sứ trên toàn cầu” - Farhall nói.
Đây chính là câu chuyện của Louise Daneels - nghệ nhân gốc Bỉ đang kinh doanh trực tuyến phụ kiện gốm sứ thủ công do cô thiết kế. Các vật dụng hằng ngày quen thuộc với mọi người (kem đánh răng, đồ trang điểm, văn phòng phẩm…) được Daneels dùng làm đề tài sáng tạo. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Mục tiêu tôi nhắm đến là nắm bắt từng khoảnh khắc cuộc sống bình dị”.
Tương tự, những chiếc bao bì nhựa thường bị xem nhẹ lại truyền cảm hứng cho Kimberley Williamson - nhà sáng lập thương hiệu phụ kiện gốm Birkim Bags. “Túi nhựa dùng một lần vẫn luôn gây tranh cãi xoay quanh vấn đề rác thải. Tôi muốn tạo ra các sản phẩm xinh xắn lẫn hữu dụng để bạn có thể tự hào bài trí tại nhà, đồng thời nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ bảo vệ môi trường” - cô cho biết. Từ một dự án nghệ thuật ngẫu hứng, giờ đây, Williamson đã xây dựng một xưởng làm việc chỉn chu trong khuôn viên nhà riêng ở thủ đô Edinburgh (Scotland). Đây là nơi cô cho ra đời vô số mẫu phụ kiện gốm sứ dùng trang trí nhà bếp, sân vườn với hình dáng mô phỏng những chiếc túi nhựa.
Hoàn mỹ từ sự không hoàn mỹ
Chậu cây được tạo hình như một chiếc túi đựng đồ siêu thị của thương hiệu Birkim Bags - Ảnh: Birkim Bags |
Phong cách thiết kế tươi vui, không gò bó đang thúc đẩy một làn sóng sưu tầm sôi động, đặc biệt trong những cộng đồng yêu gốm sứ. Nhiều bộ sưu tập phụ kiện nhà bếp của thương hiệu gốm Ginny Sims (trụ sở tại bang Minnesota, Mỹ) nhanh chóng “cháy hàng” ngay khi có mặt trên website bán lẻ. Nhờ tạo hình thủ công theo lối phóng khoáng kết hợp đường nét họa tiết trừu tượng nhưng không kém phần nền nã, sản phẩm của Ginny Sims thu hút từ khách hàng phổ thông đến người đam mê sưu tầm.
Có sở thích sưu tầm đồ gốm độc đáo từ các nhà sản xuất thủ công nhỏ lẻ, nữ nghệ sĩ người Mỹ Amy Keeler bày tỏ: “Cảm giác gần như kích động khi săn lùng được món phụ kiện yêu thích quả thật rất khó quên…”. Một người hâm mộ khác tiếp lời: “Gốm thủ công như của Ginny Sims luôn gợi lên trong tôi ấn tượng đồng cảm, dễ gần và đáng mến đến kỳ lạ”.
Theo nghệ nhân Dustin Barzell đang làm việc tại New York, tính độc nhất vô nhị cùng vẻ đẹp không hoàn mỹ của mỗi sản phẩm gốm thuộc trào lưu thiết kế vui nhộn làm nên nét cuốn hút rất riêng cho chúng. Thường xuyên bày bán phụ kiện gốm sứ thủ công qua trang web cá nhân, Barzell nhận xét: “Vì vẻ ngoài của chúng trông không hoàn hảo, tinh xảo như phần lớn mặt hàng gốm truyền thống trên thị trường, bạn có thể cảm nhận một sự kết nối đặc biệt với người thợ đã nhào nặn nên chúng”.
Các mẫu bình hoa với kiểu dáng “xấu lạ” và họa tiết trang trí bất quy tắc độc đáo của nữ nghệ nhân Suzanne Sullivan - Ảnh: Suzanne Sullivan Ceramics |
Sáng tạo vật dụng bằng gốm không chỉ đẹp mắt, hữu ích mà còn truyền cảm hứng sống vui cho mọi người là động lực của Brian Giniewski. Nghệ nhân, doanh nhân đến từ bang Pennsylvania (Mỹ) nổi tiếng với thương hiệu gốm sứ Drippy Pots. Từng mẫu ly, tách, bình, chậu gốm được Giniewski thiết kế và hoàn thiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Nét lôi cuốn khác lạ nơi Drippy Pots nằm ở lớp men phủ trang trí bên ngoài, có hiệu ứng chất lỏng nhỏ giọt mềm mại - tương phản với kết cấu, hoa văn tổng thể của bề mặt gốm.
Giniewski bày tỏ: “Drippy Pots là dự án tâm huyết của vợ chồng tôi. Chúng tôi luôn mong nó sẽ khích lệ mọi người thêm hứng thú với việc sưu tầm, trân trọng sản phẩm gốm sứ. Tôi hy vọng khách hàng có thể tin dùng nhiều hơn mặt hàng phụ kiện thủ công. Với nghề gốm, mục đích của chúng tôi là làm ra những sản phẩm gợi cảm giác vui vẻ, tươi mới và thân thiện cho mọi tầng lớp người tiêu dùng”.
Giảng viên Edward Austin - phụ trách hướng dẫn khóa đào tạo nghệ thuật gốm sứ của Đại học Staffordshire (Anh) - chia sẻ. “Tôi tin rằng người tiêu dùng đang mong muốn nhìn thấy nhiều hơn các sản phẩm gốm sứ mang dấu ấn gần gũi, phản ánh chân thực đời sống đương đại”.
Như Ý
Xem thêm: lmth.1000941a-gnoc-uht-us-mog-auc-al-uax-neyud-ten/nv.moc.enilnounuhp.www