Giá cả - thách thức trong việc phổ biến xe điện
Quá trình điện khí hóa trong ngành công nghiệp ô tô thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, khi thị phần xe điện đã chiếm khoảng 10% tổng doanh số bán xe ô tô trên toàn cầu trong năm ngoái. Tuy nhiên, cho đến nay việc phổ biến xe điện vẫn vấp phải nhiều rào cản lớn, một trong số đó là giá cả
Ví dụ như tại Mỹ, nghiên cứu của Kelley Blue Book cho thấy, mức giá trung bình của một chiếc xe điện mới là 58.000 USD, cao hơn khoảng 12.000 USD so với một chiếc ô tô chạy xăng. Mức chênh lệch này khiến cho khoản tín dụng ưu đãi trợ cấp thuế trị giá 7.500 USD/xe điện của Chính phủ Mỹ không còn quá hấp dẫn với người tiêu dùng.
Tỷ phú Elon Musk - Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla thậm chí đã nói rằng, thứ duy nhất có thể ngăn cản việc bán những chiếc xe điện chính là mức giá của chúng. Để giải quyết thách thức này, công ty của ông đã lựa chọn cách thức trực diện nhất là giả giá xe.
Cuộc đua xe điện tại Mỹ đã được Tesla hâm nóng với 6 lần giảm giá chỉ riêng trong năm nay. Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Năm 2023 mới chỉ trôi qua gần 1/3 nhưng cuộc đua xe điện tại Mỹ đã được Tesla hâm nóng với 6 lần giảm giá chỉ riêng trong năm nay, kéo mỗi chiếc xe dòng phổ thông Model 3 giảm hơn 11.000 USD, còn dòng xe thể thao Model Y là trên 20.000 USD. Như lời CEO Elon Musk, giảm giá xe lúc này là một chiến lược sống còn.
"Giá cả thật sự quan trọng, nhiều khách hàng muốn mua một chiếc Tesla nhưng không đủ tài chính nên việc giảm giá sẽ tạo ra khác biệt đáng kể", Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho hay.
Bên cạnh thị trường Mỹ, làn sóng giảm giá cũng được ông lớn xe điện này lan tới một loạt thị trường khác như châu Âu giảm gần 10%, Israel giảm 25%. Ngay cả Singapore - nơi giá ô tô đắt nhất hành tinh, cũng giảm lên tới 5%.
Động thái của Tesla đã khiến các đối thủ không thể ngồi yên. Hồi cuối tháng 1, Ford đã thông báo giảm giá bán mọi phiên bản của mẫu SUV điện ăn khách nhất của hãng là Mustang Mach-E, với mức giảm lên tới gần 6.000 USD/chiếc. Hãng xe Renault của Pháp cũng cho biết đang xem xét lại giá bán xe điện trên toàn thế giới để đảm bảo năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, không có nơi nào mà cuộc chiến giá cả lại nóng bằng Trung Quốc - thị trường xe điện số 1 toàn cầu khi hơn 40 thương hiệu xe cả điện lẫn xăng đã giảm giá bán kể từ đầu năm.
Từ các thương hiệu truyền thống như BMW, Volkswagen cho tới những cái tên chuyên xe điện như BYD, Xpeng, Nio đều tung ra các chương trình giảm giá từ 2.000 - 15.000 USD mỗi chiếc và đã tung ra tín hiệu sẽ tiếp tục hạ giá thời gian tới.
"Để giảm giá thành xe, chúng tôi đã phát triển cấu trúc cho phép cắt giảm đáng kể các chi phí nghiên cứu cũng như linh kiện trong tương lai, giúp các mẫu xe ngày càng cạnh tranh hơn về giá", ông Brian Gu - Chủ tịch hãng xe điện Xpeng cho biết.
Động thái giảm giá của các hãng xe điện diễn ra trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc đã và đang giảm dần trợ cấp với mặt hàng này, bởi vậy một mức giá cạnh tranh là cách tốt nhất để duy trì ưu thế của các dòng xe điện trên thị trường.
Ảnh hưởng từ làn sóng giảm giá đến thị trường xe điện Trung Quốc
Động thái của Tesla đã mở màn cho một cuộc đua giảm giá giành thị phần trên thị trường xe điện. Những người tiêu dùng chắc chắn là được hưởng nhiều lợi ích nhất, khi giá xe giờ đây đã trở nên dễ chấp nhận hơn, với mức giảm có thể lên tới hàng nghìn USD. Còn các hãng xe như Tesla chắc chắn cũng có thể kích thích đáng kể doanh số của mình.
Với trường hợp của Tesla, sau các đợt giảm giá liên tiếp, doanh số bán xe của hãng đã đạt mức cao kỷ lục trong quý I năm nay, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số tăng chỉ là một trong số nhiều tác động mà làn sóng giảm giá ồ ạt đang tạo ra cho thị trường xe điện.
Trung Quốc được xem là thị trường xe điện lớn nhất thế giới và cũng là nơi cuộc chạy đua giảm giá xe điện đang diễn ra quyết liệt nhất. Tại Trung Quốc doanh số bán xe ô tô giảm nhưng riêng ô tô điện lại tăng hơn 22% trong quý I, với hơn 1 triệu 310.000 chiếc.
Với người dân Trung Quốc, tại nhiều thành phố mua xe điện dễ đăng ký lưu hành hơn xe xăng. Xe điện ngày càng tiện lợi khi năm qua số cọc sạc mới tăng đến 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Người dân có thế sạc ở chung cư, trung tâm thương mại, trạm xăng…
Trung Quốc được xem là thị trường xe điện lớn nhất thế giới và cũng là nơi cuộc chạy đua giảm giá xe điện đang diễn ra quyết liệt nhất. Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Theo China Auto Market, trong quý I, khoảng 1/5 số mẫu xe trên thị trường có mức giảm hơn 1.500 USD/chiếc. Đó là chưa kể chương trình kích cầu tiêu dùng nhắm vào ô tô với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo làn sóng giảm giá cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, với một bộ phận người mua chỉ đi xem và chờ đợi giảm tiếp cũng khiến cho doanh số bán xe khó bền vững.
Chính Tesla giảm mạnh giá bán 4 dòng xe điện đã bị những người mua trước đó phản ứng kịch liệt khiến công ty gặp rắc rối. Một báo cáo cho thấy biên độ lợi nhuận của Tesla quý I giảm từ 19,2% xuống còn 11,4%. BYD cũng bị thổi bay lợi nhuận hàng tỷ USD vì giảm giá. Các hãng xe ô tô truyền thống cũng giảm lợi nhuận.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc kêu gọi các thành viên không giảm giá quá mức vì đây không phải là giải pháp lâu dài. Các chuyên gia cũng nhận định biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ô tô còn giảm tiếp quý II.
Giới đầu tư lo lắng vì làn sóng giảm giá xe
Cuộc đua về giá đang mang lại những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực cho các hãng xe. Số xe bán ra có thể tăng nhưng việc đã đầu tư rất nhiều tiền vào phát triển xe điện để lại phải giảm giá bán, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp. Đó cũng là điều các nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu của các công ty xe điện đang cảm thấy rất lo lắng.
Bằng chứng là cổ phiếu của Tesla đã giảm gần 10% trong phiên giao dịch ngày 20/2, thổi bay hơn 50 tỷ USD giá trị vốn hóa, ngay sau khi CEO Elon Musk cho biết, sẽ tiếp tục giảm giá xe, dù điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của hãng.
Không chỉ Tesla một loạt các cổ phiếu khác trong ngành ô tô, từ Ford của Mỹ cho tới BYD của Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm mạnh. Nhiều ý kiến lo ngại, việc giảm giá xe xuất phát từ cạnh tranh thị phần, không dựa trên những tiến bộ trong quản lý, cải tiến công nghệ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hãng xe điện.
Cuộc đua giảm giá định hình lại ngành công nghiệp xe điện
Thương trường như chiến trường, cuộc cạnh tranh về giá được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong ngành công nghiệp xe điện, buộc các hãng xe phải cố gắng thích nghi, hoặc chấp nhận bị gạt khỏi cuộc chơi.
Xe điện của Trung Quốc đang nở rộ với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội địa, vốn chiếm đến 80% doanh số bán xe điện năm ngoái. Ngành xe điện chứng kiến nhiều doanh nghiệp bất động sản, công nghệ cũng nhảy vào.
Các chuyên gia cho rằng trong cuộc chiến, trước sức ép về giảm giá, cạnh tranh khốc liệt về công nghệ trong 5 năm tới sẽ khiến nhiều công ty nhỏ, yếu bị đào thải. Người ta lại nhớ tới thời Trung Quốc nở rộ các công ty sản xuất điện thoại thông minh hồi năm 2015 với cả trăm thương hiệu nội địa thì nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Trung Quốc đang nổi lên những gương mặt lớn như BYD, Xpeng, Nio, Li Auto… Nhờ doanh số xe điện tăng vọt mà chỉ mất 4 năm, từ chỗ chiếm 2,1%, BYD hiện chiếm 10,3% thị phần ô tô, vượt mặt Volkswagen, dẫn đầu thị phần tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc.
Với đà phát triển hiện nay, dự kiến cuối năm nay, xe điện tại Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 doanh thu bán xe ô tô. Các hãng xe điện Trung Quốc ngày càng vươn xa ra châu Á, châu Âu. Hãng pin xe điện khổng lồ CATL (Trung Quốc) đang dẫn đầu thế giới.
Nhờ nắm công nghệ, nhất là pin mà nhiều loại xe điện của Trung Quốc đang cạnh tranh tốt với các hãng nước ngoài khi mà có mẫu xe điện BYD chỉ có giá 11.000 USD, bằng 1/ 4 giá của xe điện phổ thông tại châu Âu.
Những gì diễn ra tại Trung Quốc cũng là câu chuyện chung của thị trường xe điện toàn cầu. Bởi theo Morgan Stanley, việc cạnh tranh giảm giá xe không chỉ là một hiện tượng nhất thời mà sẽ là một xu hướng lâu dài, để đảm bảo xe điện sẽ là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Trong cuộc cạnh tranh đó, những hãng xe có thể tiến hành giảm giá bán một cách bền vững dựa trên cơ sở cải tiến công nghệ và tối ưu hóa chuỗi cung ứng sẽ có nhiều lợi thế, để chiếm lĩnh thị phần trong thị trường xe điện toàn cầu đầy tiềm năng.
VTV.vn - Thị trường pin xe điện toàn cầu dự báo tăng lên mức 616 tỷ USD vào năm 2035, tức tăng gấp 5 lần so với dự báo của năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.68164750122403202-neid-ex-aig-maig-aud-couc-gnon/et-hnik/nv.vtv