Sáng 22-4, có mặt tại phiên chợ Xanh tử tế (đường Pasteur, quận 3, TP HCM), nhiều người bất ngờ khi thấy một gian hàng có bán ớt nhiều màu: vàng, đỏ, nâu (hay sô-cô-la) với kích cỡ to hiếm thấy. Mỗi quả to bằng nắm tay, dài cả gang tay và có quả nặng đến 200gr, mỗi kg từ 5-8 trái.
Ớt khổng lồ gây tò mò cho khách đi chợ
Thậm chí, khi để cạnh chuối hay bơ 034 thì ớt khổng lồ không thua về kích cỡ.
Ớt khổng lồ để cạnh bơ 034 và chuối Laba
Nhân viên gian hàng này cho biết đây là sản phẩm mới được bán gần đây, mỗi phiên chợ bán được khoảng 1 thùng (hơn 10 kg) và được khách hàng ưa chuộng với giá 150.000 đồng/kg!
Chị Hồng Ngọc (ngụ quận 1) cho biết đã từng ăn thử ớt khổng lồ cho biết ớt không cay dù có mùi hăng đặc trưng của ớt. "Ớt có thể ăn sống như trái cây, trộn dấm hoặc xào như ớt chuông. Tôi nghe nói quả này rất nhiều vitamin nên thường mua về ăn", chị Ngọc nói.
Một khách quen lựa ớt từ trong thùng
Dù có giá 150.000 đồng/kg nhưng ớt ngọt Palermo vẫn thu hút nhiều khách mua
Bên trong 1 quả ớt ngọt Palermo, nhìn gần giống ớt sừng của Việt Nam phóng lớn nhưng khác về màu sắc, hương vị
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức, TP HCM), nơi đã thành công khi trồng súp lơ thủy canh tại nông trại ở TP Thủ Đức, cho hay đang nghiên cứu để trồng thêm ớt ngọt Palermo.
"Đây là giống ớt độc quyền của một công ty của Hà Lan và được trồng chủ yếu ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hiện đang rất được thị trường TP HCM ưa chuộng. Nếu chúng tôi trồng thành công ớt ngọt Palermo ngay tại TP HCM sẽ gần nơi tiêu thụ, hàng sẽ tươi hơn, mở ra cơ hội trồng một loại cây ôn đới ngay tại vùng nhiệt đới TP HCM" - ông Tuấn nói.
Thị trường Việt Nam gần đây nổi lên nhiều sản phẩm rau quả "độc - lạ" về màu sắc, kích cỡ, hương vị với giá cao gấp vài lần thậm chí gấp chục lần so với sản phẩm truyền thống nhưng vẫn thu hút người mua. Phần lớn các sản phẩn được canh tác từ giống nhập khẩu. Trong khi đó, mảng các giống rau của Việt Nam hiện rất yếu do ít được đầu tư.
Xem thêm: mth.87042504122403202-togn-iv-oc-ol-gnohk-to-iov-uht-hciht/et-hnik/nv.moc.dln