Sáng nay 22-4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh với sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư tại Việt Nam và hàng trăm tập đoàn lớn trên thế giới tham dự trực tuyến hội nghị cho thấy sự quan tâm, tinh thần đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam, với khảo sát của JETRO, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. 55% vào năm 2021 và 60% vào năm 2022.
Trong thời gian vừa qua, đầu tư từ Nhật Bản (kết hợp mở rộng và mở rộng) tăng 53% về số lượng nhưng giảm 50% về giá trị.
Tuy nhiên, theo ông Takeo Nakajima, thách thức là tăng chi phí, tiền lương của công nhân ngày càng tăng. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ dẫn đến tăng chi phí.
Đáng nói là việc cấp các loại giấy phép trong nước, tốc độ xử lý thủ tục hành chính chậm, 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, con số này ở ASEAN chỉ 47%.
"Do đó Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện cho mức giá phù hợp, điều này quan trọng vì các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch" - ông Takeo Nakajima mong mỏi.
Vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp thông tin vui đến hội nghị Jetro đang tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam như sự hợp tác với Denso, Nagase và Gakken… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư mong muốn có chính sách về điện phù hợp, ổn định và hệ thống hệ thống năng lượng mới, trong đó có công nghệ xe điện, xe hybrid.
"Chúng tôi mong muốn chứng kiến nhiều trường hợp đầu tư FDI vào các vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình... Đây là cơ hội để phát triển nền kinh tế địa phương" - ông Takeo Nakajima nói.
Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF)
Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam, thông báo các thành viên VBF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy FDI và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam với hơn 221.000 thành viên đến từ 14 Phòng Thương mại và 13 Nhóm công tác; đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế tại Việt Nam, góp phần tăng trưởng FDI mạnh mẽ.
Ông Nitin Kapoor đề xuất được Chính phủ phân công đại diện VBF vào nhóm công tác chuyển đổi năng lượng hiện nay như Ban thư ký của Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Ủy ban soạn thảo chính sách liên quan. VBF cũng mong muốn Chính phủ đẩy nhanh việc rà soát chính sách visa; đồng thời đơn giản hóa Bộ luật Lao động để thu hút lao động chất lượng cao, nhân tài từ khắp nơi trên thế giới "cập bến".
Ông Nitin Kapoor đề nghị cần nghiên cứu tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
"Chúng tôi mong muốn Việt Nam có cơ chế mua sắm cụ thể đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao y tế trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản liên quan" - ông Nitin Kapoor đề xuất.
Một lĩnh vực "nóng" là thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản, cân đối cung cầu, Đồng Chủ tịch VBF kỳ vọng phản ứng của Việt Nam vào những chính sách giải quyết những khó khăn như kiểm soát vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.
"Cộng đồng doanh nghiệp VBF, bao gồm cả FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới phát triển kinh tế bền vững"- ông Nitin Kapoor chia sẻ.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), nêu thống kê của Bộ KH-ĐT cho thấy quy mô đầu tư nước ngoài quý I đạt 5,44 tỉ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tương đương 50% tổng mức đầu tư cùng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Đáng nói, số lượng dự án đã tăng 13,5% đạt 1.459 dự án đã cho thấy đa phần các dự án đầu tư mới đều là các dự án có quy mô nhỏ.
Đáng tiếc, theo ông Hong Sun, là tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam quý I chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 344, đưa Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Cho thấy cơ cấu thương mại tập trung vào một số mặt hàng cụ thể rất nhạy cảm với những biến động kinh tế.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.
"Nhiều doanh nhân nước ngoài cần cảm thấy sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn… thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam" - ông Hong Sun nói.
Theo ông Hong Sun, Kocham đã tiếp nhận được một số kiến nghị của các doanh nghiệp Hàn Quốc mới vào đầu tư tại Việt Nam về một số khó khăn. Cụ thể là cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy...
"Tôi tin rằng nếu Chính phủ quan tâm và nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này có thể mở rộng kinh doanh ổn định tại Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ có thể gạt bỏ những lo lắng và tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa" - ông Hong Sun bày tỏ.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc cho các nhà đầu tư
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ với tinh thần thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, khẩn trương và hiệu quả, hội nghị đã cơ bản hoàn thành chương trình và đạt được mục tiêu đề ra.
Đáng chú ý, các đại biểu đã đưa ra các cam kết đầu tư sau hội nghị với tổng số vốn gần 4 tỉ USD. Với 100 đầu cầu trong nước và 83 đầu cầu nước ngoài, đây là hội nghị trực tiếp, trực tuyến có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tướng khái quát một số vấn đề được các doanh nghiệp, tổ chức kiến nghị gồm: Phản ứng chính sách; giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn về pháp lý; đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn là chưa kịp thời, linh hoạt, chưa mang lại hiệu quả cao.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất, Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT, các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động xử lý ngay theo thẩm quyền hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành văn bản chỉ đạo là sản phẩm sau hội nghị về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đã giải đáp cụ thể các vấn đề cụ thể mà các đại biểu quan tâm.
Về vấn đề OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp (như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng…) để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.
Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về các vấn đề khác, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội xử lý các vấn đề liên quan thị thực.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có giải đáp về vấn đề lao động.
Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan tới phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan); thuốc, vật tư y tế (Bộ Y tế); năng lượng, gồm quy hoạch điện VIII, điện gió, điện mặt trời, điện áp mái, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (Bộ Công Thương); thủ tục cấp phép vận hành các cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)…