Cho vay bất động sản, đầu tư trái phiếu và tỷ trọng cho vay với riêng một số khách hàng là những chủ đề được quan tâm nhất trong phiên họp cổ đông thường niên sáng nay của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB).
Tính tới cuối 2022, cho vay bất động sản và xây dựng chiếm 29% tổng danh mục, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 6% tổng tài sản của Techcombank. Nhà băng này cũng vừa bị hạ bậc xếp hạng bởi Hãng đánh giá tín dụng Moody's do dự báo tình hình khó khăn của ngành bất động sản sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tín dụng.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank thừa nhận tỷ trọng cho vay bất động sản của ngân hàng ở mức cao, nhưng cho biết chủ yếu là khoản vay cho cá nhân có nhu cầu mua nhà. Về cho vay chủ đầu tư, ngân hàng này chọn khách hàng tốt, dự án có pháp lý đầy đủ nên "trong giai đoạn thị trường khó khăn các dự án này vẫn được triển khai".
Một lần nữa các cổ đông lại chất vấn về mối quan hệ với Tập đoàn Masterise. Một lần nữa, ông Hùng Anh trả lời như các năm trước rằng, doanh nghiệp này không phải công ty đầu tư bất động sản mà là nhà phát triển dự án, ký hợp tác với các chủ đầu tư để triển khai và thu phí.
"Không có chuyện Techcombank cấp tín dụng để Masterise tài trợ các dự án", ông Hùng Anh khẳng định và cho biết dự án mà tập đoàn này đang triển khai đều hoạt động bình thường và tiến độ xây dựng đúng hạn. Với các khách hàng khác, những chủ đầu tư này vẫn duy trì công việc dù thị trường bất động sản đang trong giai đoạn rất khó khăn.
Với trái phiếu, Chủ tịch HĐQT Techcombank khẳng định ngân hàng luôn quản lý trái phiếu như một khoản vay. Giá trị sổ sách của trái phiếu trong giai đoạn vừa qua đã giảm nhưng việc giảm này chỉ là vấn đề thời gian. Lượng trái phiếu Techcombank tư vấn chào bán ra thị trường bán lẻ cho tới nay chưa có trái phiếu nào bị quá hạn về gốc và lãi.
"Thị trường trái phiếu sẽ quay trở lại", ông Hùng Anh nhận xét và cho rằng, đây là kênh huy động vốn quan trọng và khi thị trường này phục hồi thì tốc độ tăng trưởng của Techcombank sẽ trở lại rất nhanh.
Năm nay, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng đến cuối năm dự kiến đạt hơn 510.000 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.
Nói về mức suy giảm lợi nhuận, người đứng đầu Techcombank cho biết "đây là kế hoạch thận trọng nhất".
Ban lãnh đạo Techcombank đã đặt ra nhiều kịch bản khác nhau cho năm nay, như mức lãi trước thuế 28.000 tỷ, 22.000 tỷ đồng, nhưng quyết định chọn mức thấp nhất để trình các cổ đông. Con số thực tế có thể cao hơn nếu thị trường diễn biến thuận lợi, bất động sản và trái phiếu phục hồi.
Cũng theo ông Hùng Anh, nhìn vào quá khứ, Techcombank đã có những giai đoạn rất thận trọng với kế hoạch kinh doanh. Năm 2012-2014, Techcombank luôn đi đầu trong việc trích lập dự phòng, giảm lợi nhuận nhưng sau đó đã trở thành ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao khi xử lý dứt điểm nợ xấu tại VAMC.
Với khủng hoảng thị trường bất động sản hiện nay, Chủ tịch Techcombank cho rằng nguyên nhân chủ yếu do niềm tin của nhà đầu tư. "Khi niềm tin quay trở lại thì nhu cầu thị trường sẽ trở lại, nhu cầu đầu tư của người Việt vẫn còn rất lớn", ông Hùng Anh nhận xét.
Năm nay, Techcombank cũng tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là hơn 23.500 tỷ đồng.
Minh Sơn