Trước chất vấn của cổ đông về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn, Techcombank có nên điều chỉnh kinh doanh ở phân khúc này, ông Hồ Hùng Anh nói, mô hình Ngân hàng theo đuổi là tăng về CASA, là lợi nhuận cao, rủi ro thấp. Còn về bất động sản, Chủ tịch Techcombank thừa nhận, Ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bất động sản cao nhưng phần nhiều là cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà, còn các dự án đều được Ngân hàng chọn khách hàng tốt, pháp lý đầy đủ.
“Do đó, mặc dù bối cảnh đang có nhiều khó khăn nhưng các khách hàng này vẫn đang triển khai, vận hành bình thường. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng quản lý nợ xấu tốt, lợi nhuận ổn định”, Chủ tịch Techcombank nói.
Liên quan đến vấn đề trái phiếu, Chủ tịch Techcombank nhấn mạnh: “Chưa có một trái phiếu nào Techcombank tư vấn và phát hành bị quá hạn kể cả lãi và gốc kể cả trên thị trường bán lẻ. Điều này thể hiện năng lực quản lý rủi ro của Techcombank”.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank tại ĐHCĐ 2023 |
Trước câu hỏi của cổ đông về việc xếp hạng tín dụng cơ sở của Techcombank giảm từ Ba2 xuống Ba3, tức trở về mức ngang một số ngân hàng thương mại hiện nay và triển vọng từ “ổn định” thành “tiêu cực”, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank nói: “Việc xếp hạng này phản ánh thị trường hiện tại”.
Tổng giám đốc Techcombank cho biết, tháng 9 năm ngoái, mức tín nhiệm Techcombank được nâng lên thể hiện Ngân hàng đã có một vị thế nhất định nên việc hạ bậc diễn ra Ban lãnh đạo không thấy có bất kỳ một vấn đề nào liên quan đến các chỉ số như rủi ro hay an toàn vốn hay toàn bộ hoạt động của Techcombank…
“Tất nhiên, là đơn vị xếp hạng độc lập, Moody’s nhận thấy những diễn biến trên thị trường bất động sản, thị trường cho vay có những tiêu cực và Techcombank là Ngân hàng lớn có liên quan đến những vấn đề này nên sẽ chịu các ảnh hưởng từ những diễn biến trên thị trường”, ông Jens Lottner nói.
Cũng theo ông Jens Lottner, mặc dù thị trường đang cho thấy những tiêu cực và thách thức nhưng mọi việc đang có những dịch chuyển nhất định. Techcombank đã đạt được mức tín nhiệm cao trong quá khứ nên sẽ càng phải tìm cách đạt được mức cao hơn trong tương lai.
Liên quan tới dịch vụ phân phối bảo hiểm, ông Jens Lottner khẳng định Ngân hàng có rà soát rất kỹ, "Techcombank có mô hình phân phối khác biệt với nhiều ngân hàng khác, chúng tôi quan tâm tới nhu cầu cụ thể của khách hàng, chú trọng tư vấn khách hàng để phân biệt rõ sản phẩm bảo hiểm và tiết kiệm...", đồng thời khẳng định tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với Manulife.
Trước trăn trở của cổ đông về việc trong năm nay, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức với lý giải lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Được biết, lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 của Ngân hàng là gần 17.907 tỷ đồng và lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến ngày 1/1/2022 là hơn 40.136 tỷ đồng.
Chủ tịch Techcombank nói: “Tôi nhớ năm 2013, cũng tại ĐHCĐ, tôi đã nói Ngân hàng trong 10 năm tới sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay đã là năm thứ 10 và tôi cho rằng đây sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Mọi việc đều có thể xảy ra nhưng Ngân hàng sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đồng thời, cũng phải đảm bảo hoạt động của ngân hàng”.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.
“Kế hoạch lợi nhuận 22.000 tỷ đồng là theo dự đoán của Ngân hàng về sự khởi sắc trong những tháng cuối năm 2023”, ông Jens Lottner nói.
Ông Hồ Hùng Anh chia sẻ thêm: “Kế hoạch năm nay Ngân hàng đã có nhiều phương án 28.000 tỷ đồng và 22.000 tỷ đồng và có thể thấp hơn. Chúng tôi đã lựa chọn phương án tương đối thận trọng nhất. Nếu thị trường phục hồi chúng tôi tin rằng kết quả sẽ tốt hơn. Trong giai đoạn khó khăn thì thận trọng vẫn tốt hơn”.
Về kết quả kinh doanh quý I/2023, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết, vượt kế hoạch nhưng Ngân hàng luôn đề cao việc thận trọng. Techcombank luôn trích lập dự phòng cao và đề cao quản trị rủi ro, trước đó Techcombank là Ngân hàng đầu tiên xử lý xong nợ VAMC.
Techcombank dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi.
Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là hơn 23.538 tỷ đồng.
Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2023, Ngân hàng đặt kế hoạch phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 35.225 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.
Phía ngân hàng cho biết, đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đổi về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Techcombank. Vì vậy, Ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4595% thành 22,4860%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2023.