Đó là những kiến nghị chính vừa được Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM gửi lên Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm, và Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Theo văn bản này, tình trạng ùn tắc đăng kiểm vẫn diễn ra phổ biến gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, gần đây tình trạng đăng ký lịch hẹn gây khó khăn cho doanh nghiệp chưa được tháo gỡ.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp chủ động trước khi hết hạn theo sổ kiểm định 15 - 30 ngày đã đi đăng ký lịch đăng kiểm lại. Tuy nhiên được hẹn gần 1 tháng sau.
Cụ thể, ngày 20-4 xe hết hạn đăng kiểm, đầu tháng 4 doanh nghiệp đăng ký lịch, thì phiếu hẹn ngày 17-5 xe mới đến lượt vào xét.
"Ưu tiên các phương tiện kinh doanh vận tải gần hết hạn hoặc đã hết hạn đăng kiểm đăng ký lịch hẹn trước. Xem xét hỗ trợ về việc xe được lưu hành tạm trong khi chờ đến lượt vào đăng kiểm lại.
Ngoài ra, cần nghiên cứu kéo giãn thêm chu kỳ đăng kiểm nếu hệ số an toàn vẫn còn có thể đáp ứng. Thông báo lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng cần khắc phục trong 1 lần để tránh trường hợp xe phải đi sửa chữa quay ra vào trạm nhiều lần", hiệp hội nêu kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, về phần "Phụ lục II - Nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiếm khuyết, hư hỏng" của thông tư số 02/2023 còn một số mục quá khắt khe, thiếu thực tế.
Dẫn chứng điều này, các doanh nghiệp vận tải cho biết có trường hợp nhân viên đăng kiểm giải thích số khung không đúng vị trí theo quy định, nhưng mới mua về, chủ xe không có can thiệp vào phần số khung của xe; số khung thuộc thẩm quyền kiểm tra và quản lý của Công an TP khi cấp giấy chứng nhận đăng ký.
Hay việc gắn thùng chứa dụng cụ đồ nghề lên nhằm tuân thủ các tiêu chí an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu xe. Tuy nhiên khi đăng kiểm thì các trung tâm bắt buộc phải tháo dỡ thùng chứa dụng cụ đồ nghề mới cho kiểm định.
Ngoài ra, các quy định khác liên quan đến đèn pha, lốp đắp, chắn bùn, màu sơn... cũng khắt khe quá mức cần thiết, và không thực tế.
"Các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá lại đối với danh sách các hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng nào thật sự ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Tránh trường hợp có quá nhiều tiêu chí và yêu cầu quá khắt khe nhưng không có sự tác động nguy hại, gây lãng phí trong việc cải tạo, sửa chữa để đáp ứng theo quy định".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết hiện ngành vận tải đang rất khó khăn khi chi phí tăng nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm mạnh, giá thành vận chuyển rất cạnh tranh.
Do đó, thêm khó khăn từ đăng kiểm khiến các doanh nghiệp đang bị áp lực lớn, nhiều đơn vị phải tạm ngưng hoạt động.
"Cần thiết có ứng dụng đặt lịch đăng kiểm chính thống và riêng của TP.HCM để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc hẹn lịch đăng kiểm, trường hợp đơn vị có số thứ tự nhưng không đến đăng kiểm, cần thông báo để số liền kề biết và đôn lên, tránh mất thời gian.
Ngoài ra, cần thiết có bố trí khu vực dành riêng cho các xe đã khắc phục khiếm khuyết, hư hỏng quay lại đăng kiểm...", ông Quản nói thêm.
Ngày 21-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bắc Giang đã khởi tố thêm 4 bị can trong vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ tại Trung tâm đăng kiểm 98-01S.
Xem thêm: mth.97754055122403202-meik-gnad-neit-uu-coud-ihgn-neik-iat-nav-peihgn-hnaod/nv.ertiout